1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga - Mỹ nhất trí cao, Thổ Nhĩ Kỳ đau đầu không dứt

Việc Nga - Mỹ đồng thanh về vấn đề tương lai của Tổng thống Assad khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên điêu đứng.

Nga – Mỹ đồng thanh về Syria

Ngày 4/4, hãng RIA của Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Sergei Ryabkov cho biết việc yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức là hành động cản trở triển vọng cho một giải pháp chính trị ở quốc gia Trung Đông này.

"Chúng ta hãy ngừng bàn về chủ đề này, đồng thời để các bên ở Syria quyết định về thời điểm cũng như cơ sở nêu lại vấn đề này", ông Sergei Ryabkov tuyên bố.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhắc rằng, sách lược đối ngoại của Nga không chấp nhận "chính sách lật đổ chế độ, tổ chức các "cách mạnh màu".

Theo ông, hiện nay một loạt quốc gia và nhóm đối lập "chưa sẵn sàng chấp nhận ý tưởng nhân vật Bashar al Assad sẽ có vị trí trung tâm trên "mặt bằng chính trị Syria" thêm một thời gian không hạn định".

Ngoài ra, ông Ryabkov cũng phủ nhận việc Moskva và Washington có bất cứ lập trường chung nào về số phận của Tổng thống Assad.

Trong một động thái có liên quan, truyền thông Mỹ mới đây cũng đồng loạt đưa tin Tổng thống Obama đã bác kế hoạch lật đổ ông Assad của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Theo đó, trong 1 cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình NBC News, cựu sĩ quan tình báo Mỹ Doug Locke cho biết CIA đã đề xuất với ông chủ Nhà Trắng một kế hoạch chi tiết cho hoạt động bí mật lật đổ nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad trong năm 2012, nhưng ông Obama không tán thành.

Cả Nga và Mỹ đang có chung quan điểm về tương lai của ông Assad.
Cả Nga và Mỹ đang có chung quan điểm về tương lai của ông Assad.

"Ngay từ đầu, nhóm chúng tôi đã cho các nhà lãnh đạo Nhà Trắng và CIA thấy rằng mục đích là phải lật đổ Chính phủ của ông Assad. Chúng tôi có đến 50 cách để tạo thuận lợi cho quá trình này. Nhưng ban lãnh đạo chính trị đã không cho chúng tôi bất kỳ cơ hội nào để thực hiện", Doug Locke khẳng định.

Cựu sĩ quan Mỹ còn nêu rõ Giám đốc CIA khi đó là David Petraeus rất ủng hộ hoạt động lật đổ ông Assad.

Hiện nay Petraeus và những người có ảnh hưởng khác ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Syria, như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford cho rằng kế hoạch của Locke sẽ cho phép tránh được việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, sự phát triển của IS và cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu.

Tuy nhiên, ông Obama và các nhà phân tích khác không đồng ý với họ.

Trước đó trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông Assad đã tuyên bố sẵn sàng tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn nếu nhân dân Syria yêu cầu. Ông cho rằng, không thể hy vọng vào các nước phương Tây - họ không trung thực, thiếu chân thành, còn chính sách của họ xa vời các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.

Thổ Nhĩ Kỳ độc thoại

Không phải ngẫu nhiên mà những thông tin về việc Nga, Mỹ không ủng hộ việc loại bỏ Tổng thống Assad trong tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông xuất hiện vào thời điểm này. Trước đó, trong chuyến thăm Moskva của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cả hai bên đã thống nhất quan điểm về việc không đưa vấn đề tương lai ông Assad ra thảo luận vào thời điểm này.

Giới phân tích cho rằng, những tuyên bố trên tiếp tục khẳng định sự đồng tâm nhất trí của Washington và Moskva trong nỗ lực giải quyết các vấn đề xung đột còn tồn tại ở Damascus. Sự thống nhất giữa 2 nước này lại trở thành nỗi ám ảnh và đe dọa nghiêm trọng đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính quyền Tổng thống Erdogan ngày càng hoảng loạn trước việc Nga - Mỹ đồng thanh về Syria
Chính quyền Tổng thống Erdogan ngày càng hoảng loạn trước việc Nga - Mỹ đồng thanh về Syria

Mới đây, trong một bài phát biểu với báo giới trước khi trở về nước sau chuyến đi 5 ngày tới Washington, Tổng thống Erdogan cho rằng người đồng cấp Obama đã “nói xấu sau lưng” mình khi chỉ trích Ankara can thiệp vào tự do báo chí.

“Tôi rất buồn khi nghe những lời nói của Tổng thống Obama sau lưng mình. Trong cuộc hội đàm giữa chúng tôi, ông Obama đã không đề cập đến vấn đề này. Những lời chỉ trích về tự do báo chí ở Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm để chia rẽ và đảo lộn những giá trị của đất nước chúng tôi. Đây là một chiêu bài để khiến Ankara bất ổn”, ông Erdogan nói.

Trong một diễn biến khác, người đứng đầu Ankara cho biết Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã xích lại gần hơn đối với những quan điểm về lực lượng người Kurd ở Syria, một đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

“Cả Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry đều cam kết rằng Mỹ sẽ không cho phép thành lập một nhà nước người Kurd ở Syria”, ông Erdogan tuyên bố.

Trước đó, tối 29/3, sau khi bị ông chủ Nhà Trắng từ chối gặp chính thức trong chuyến công du tới Washington, phát biểu tại một bữa tiệc tối với các học giả và chuyên gia Mỹ tại khách sạn St. Regis, Tổng thống Erdogan đã tỏ ngay thái độ thất vọng của mình đồng thời lên án chính quyền Obama ủng hộ người Kurd trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố IS.

“Ông ấy tiếp tục trở lại vấn đề: Khủng bố là khủng bố – không có người nào tốt cả. Ông ấy chỉ trích chính quyền Obama rất nhiều”, một trong những người tham dự giấu tên nói.

Rõ ràng có thể thấy rằng, việc Nga và Mỹ xích lại với nhau đang khiến chính quyền Erdogan như ngồi trên đống lửa. Dù đã chấp nhận xuống nước, kiên quyết xử lý Alparslan Celik, kẻ được cho là tay súng bắn chết phi công Nga nhảy dù khỏi chiến đấu cơ trúng tên lửa gần biên giới Syria hôm 24/11/2015 để làm yên lòng điện Kremlin nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thất bại khi gặp phải cái nhìn nghi ngờ, đề phòng từ Moskva.

Chưa hết, chiêu bài ngửa chính quyền Erdogan dùng với Washington cũng không phát huy nhiều hiệu quả. Nhà Trắng vẫn tỏ ra lạnh lùng trước những lời đề nghị từ phía Ankara xung quanh vấn đề người Kurd.

Không chỉ thế, Tổng thống Erdogan tiếp tục phải đau đầu khi quân chính phủ Assad đang giành nhiều thắng lợi lớn trên chiến trường. Sau chiến thắng vang dội tại Palmyra, được sự động viên, giúp đỡ của điện Kremlin, quân Syria tiếp tục truy kích tiêu diệt phiến quân IS và giành quyền kiểm soát thị trấn Qaryatain ở tỉnh Homs cũng như ở phía bắc El-Karja Thane.

Việc quân chính phủ tiếp tục khẳng định bản lĩnh tự lực, tự cường, giành quyền chủ động trên chiến trường đã làm thất bại âm mưu đưa quân vào Syria của chính quyền Erdogan trước đó.

Giới phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng lún sâu hơn vào cái bẫy do chính mình tạo ra. Việc không được các nước ủng hộ khiến Ankara ngày càng trở nên cô độc khi đối chọi với sự đồng tâm nhất trí từ các ông lớn Nga – Mỹ.

Theo Tuấn Hùng (Tổng hợp)

Đất Việt