Nga mở rộng căn cứ tại Syria vì hòa bình thế giới
Theo ông Andrey Krasov, thuộc Hạ viện Nga, việc nước này mở rộng hoạt động tại Syria là để bảo đảm an ninh và hòa bình trên thế giới.
Thông tin này được TASS dẫn lời Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Andrey Krasov cho biết khi nói về việc Nga quyết định mở rộng căn cứ hải quân Tartus.
"Nga cần căn cứ Tartus để có mặt tại khu vực này và không giống như khối quân sự NATO, Liên bang Nga có mặt ở đây là để bảo đảm an ninh trên thế giới" - ông Krasov nói.
Ngay trước khi ông Krasov đưa ra tuyên bố này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh ký hai thỏa thuận với Syria về việc mở rộng lãnh thổ các căn cứ hải quân của Nga tại thành phố cảng Tartus của Syria và việc triển khai không thời hạn nhóm không quân của lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) ở Syria.
Ông giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng Nga để đàm phán với phía Syria cùng với Bộ Ngoại giao Nga và ký tên vào tài liệu đại diện cho nước Nga. Theo đó, trạm hậu cần-kỹ thuật của hải quân Nga ở Tartus sẽ được nâng cấp thành căn cứ tác chiến hải quân.
Trước đây, do Tartus chỉ là trạm hậu cần-kỹ thuật nên các tàu chiến Nga không thể neo đậu ở đây, do đó Hạm đội Biển Đen thường xuyên phải thay quân. Tàu chiến của Hạm đội biển Đen Nga ra vào Địa Trung Hải đều phải thông qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các hoạt động tiếp tế, vận chuyển vũ khí trang bị cho cảng Tartus và thay quân cho nhóm tàu Địa Trung Hải đều phải thông qua eo biển này. Nga chỉ có một tàu sân bay Kuznetsov nên không thể triển khai hoạt động thường xuyên ở Địa Trung Hải bởi không có cảng đứng chân.
Có được căn cứ hải quân tác chiến ở Tartus, Nga có thể điều động một nhóm lớn tàu thuyền và cả tàu sân bay thường trực ở đây, đồng thời tập trung lượng lớn vũ khí, trang bị, hàng hóa nên không còn phải băn khoăn về việc một mai eo biển Bosphorus bị "khóa chết".
Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đang căng thẳng cực độ, nhất là nếu Lầu Năm Góc có ý định tấn công quân sự phủ đầu Syria, eo biển yết hầu này có thể bị NATO phong tỏa ngay lập tức.
Khi đó, Hạm đội Biển Đen của Nga sẽ bị nhốt chặt, không thể chi viện lực lượng, phương tiện và hậu cần cho biên đội tàu Nga ở Địa Trung Hải và Syria. Do đó, việc có một lực lượng không/hải quân đồn trú ở Địa Trung Hải là điều quan trọng lâu dài nhưng cũng mang tính cấp bách trước mắt.
Vị quan chức quốc hội Nga nhắc nhở rằng, Syria đã luôn là đối tác chiến lược của Liên Xô trước đây và hiện nay là Nga. "Nga cần căn cứ Tartous để có mặt tại khu vực này và không giống như NATO, Liên bang Nga có mặt ở đây là để bảo đảm an ninh trên thế giới" - ông Krasov nói.
Ông nhấn mạnh, ở Syria, Nga đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng hành động. Cả VKS và nhóm Hải quân Nga đã chứng minh sự chuyên nghiệp và trình độ chuyên môn cao trong việc hỗ trợ Quân đội Syria, chống các ổ nhóm khủng bố.
Vị quan chức Duma Quốc gia cho biết, hiện Moscow rất lo lắng về việc NATO đang đến gần biên giới của đất nước. Nhưng bằng những hành động này, Nga đang quay trở lại các vị trí bị mất đi trước đó, và bắt đầu bằng sự hiện diện quân sự tại Syria và khu vực Trung Đông.
Theo Tuấn Vũ
Đất Việt