1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga làm chủ chiến trường Syria: Mỹ vừa hi vọng, vừa lo?

Mỹ đang thể hiện thái độ vừa hi vọng, vừa lo sợ khi Nga ngày càng thể hiện vai trò làm chủ trên chiến trường Syria.

Mỹ xuống thang, hi vọng hợp tác với Nga

Tờ Washington Post ngày 30/6 đưa tin chính phủ Mỹ đã đề xuất với Nga một thỏa thuận mới ở Syria nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự Mỹ-Nga trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Theo nguồn tin, mấu chốt của thỏa thuận hợp tác này là tái khởi động chiến dịch không kích chống lại Mặt trận al-Nursa, một chi nhánh của al-Qaeda tại Syria. Đổi lại, Nga sẽ tác động tới chính quyền Tổng thống Assad nhằm ngăn chặn các cuộc không kích nhằm vào các lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn.

Mỹ xuống thang, hi vọng hợp tác với Nga tại Syria
Mỹ xuống thang, hi vọng hợp tác với Nga tại Syria

Trong khi đó, tờ Sputnik của Nga cho biết lời đề nghị của Mỹ đã được gửi đến Nga hôm 27/6. Washington muốn chia sẻ với Moskva về mục tiêu và tọa độ trong chiến dịch ném bom mở rộng nhằm vào nhóm chiến binh khủng bố có tên Mặt trận Al-Nusra.

Trước đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Matthew Allen nói rằng bản ghi nhớ giữa hai Bộ Quốc phòng Nga và Mỹ "đang làm việc có hiệu quả".

Đồng thời, ông Allen nhấn mạnh, Hoa Kỳ không có kế hoạch hoạt động quân sự chung với Liên bang Nga, cũng không thảo luận các vấn đề về hợp tác quân sự và dự định sẽ tiếp tục giúp đỡ "các lực lượng địa phương" đang chiến đấu với các nhóm IS.

Thực tế, kể từ khi chính thức can thiệp quân sự vào Syria hồi tháng 9/2015 theo lời đề nghị của Tổng thống Assad, điện Kremlin đã liên tục kêu gọi Mỹ cùng hợp tác.

Tổng thống Putin từng chủ động kêu gọi thành lập một liên minh chống khủng bố rộng lớn cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập những cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa Bộ Quốc phòng hai nước Nga và Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ luôn phớt lờ mọi lời kêu gọi từ phía Nga.

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 20/5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Hải quân Mỹ Jeff Davis đã thẳng thừng từ chối, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội Mỹ sẽ “không hợp tác hay phối hợp với người Nga để tiến hành bất kỳ hoạt động tác chiến nào ở Syria” vì có sự khác biệt về mục đích tại Syria.

Chính vì vậy, việc đưa ra đề nghị thỏa thuận hợp tác mới với Nga được các nhà phân tích đánh giá là một hành động xuống thang bất ngờ của Mỹ trong chiến lược chống IS tại Syria trong bối cảnh điện Kremlin đang ngày càng chủ động trên chiến trường và giành được nhiều thắng lợi quan trọng.

Mỹ lo sợ tìm cách đối phó Nga

Dù xuống thang mong muốn hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo nhưng trong nội bộ nước Mỹ vẫn xuất hiện những mối lo sợ và ý nghĩ đối phó điện Kremlin.

Mới đây, tạp chí New York Times đã đăng tải bức thư của hơn 50 nhà ngoại giao làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký một bản ghi nhớ nội bộ, thúc giục Tổng thống Obama sử dụng vũ lực chống lại chính phủ Tổng Assad theo kịch bản đã áp dụng với Nam Tư cũ.

Theo các nhân viên này, đây là biện pháp duy nhất để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống IS và lập lại hòa bình ở Syria.

“Chúng tôi nhận thấy cần tăng cường hơn nữa vai trò quân sự của Mỹ ở Syria trên nền tảng sử dụng một cách hợp lý các loại vũ khí tấn công từ xa và vũ khí tấn công từ trên không. Điều này sẽ giúp thúc đẩy việc thực hiện tiến trình ngoại giao... dưới sự chỉ đạo của Mỹ”, tờ báo trích dẫn nội dung bức thư nội bộ trên.

Mỹ sẽ không kích Syria theo kịch bản Nam Tư?
Mỹ sẽ không kích Syria theo kịch bản Nam Tư?

Những người ủng hộ còn kêu gọi biện pháp cho “các trường hợp cá biệt và sử dụng vũ khí từ trên không bên cạnh việc củng cố và thúc đẩy tiến trình ngoại giao tập trung hơn, cứng rắn hơn do Mỹ dẫn đầu”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã lên tiếng xác nhận có sự việc này nhưng không nói rõ chi tiết và chỉ khẳng định rằng lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ đang nghiên cứu nội dung này.

Thái độ vừa nhún nhường muốn hợp tác không kích với Nga, vừa đề phòng tìm cách đối phó tại Syria đã cho thấy sự lo sợ, lưỡng lự của Mỹ tại Syria khi điện Kremlin đang ngày càng nắm vai trò quan trọng tại Syria.

Đặc biệt, thời gian gần đây khi Nga đang có nhiều thay đổi tích cực với các nước láng giềng trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác, xóa bỏ những mâu thuẫn tồn tại trước đó.

Nổi bật là sự đẩy nhanh nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 1/7 đã có cuộc gặp bên lề cuộc họp của Hội đồng Ngoại trưởng các nước Tổ chức Hợp tác Kinh tế Biển Đen đang diễn ra ở thành phố Sochi, Liên bang Nga.

Tại cuộc gặp, 2 Ngoại trưởng đã nhất trí khôi phục lại hoạt động của nhóm công tác về chống khủng bố vốn ngừng hoạt động sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 hồi tháng 11 năm ngoái.

Ngoại trưởng Nga cho biết các cuộc tiếp xúc giữa chính phủ hai nước nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương sẽ diễn ra trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Lavrov, hai bên cũng thảo luận vấn đề ngăn chặn các phần tử khủng bố từ bên ngoài vào Syria, cũng như ngăn chặn các tổ chức khủng bố sử dụng lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ làm “bàn đạp” cho các cuộc tấn công. Theo ông, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không có bất đồng về việc xác định các tổ chức khủng bố ở Syria.

Bên cạnh đó, Nga cũng nỗ lực đẩy mạnh phối hợp các hoạt động không kích trên chiến trường cùng với Syria và Iran.

Theo chia sẻ mới đây của Đại sứ Syria tại Nga Riyad Haddad, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Syria và Nga sẽ gặp nhau tại Damascus nhằm phối hợp trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, chống lại tổ chức khủng bố IS và mặt trận al-Nusra.

“Chúng tôi hy vọng Nga – đối tác chiến lược của chúng tôi có thể tác động tới Thổ Nhĩ Kỳ để buộc họ phải đáp ứng yêu cầu của cộng đồng và luật pháp quốc tế, đóng cửa biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời ngăn chặn quân khủng bố xâm nhập vào lãnh thổ của chúng tôi” – nhà ngoại giao kết luận.

Rõ ràng, các diễn biến trên chiến trường và bàn đàm phán ngoại giao tại Syria đang có lợi cho Nga. Vì vậy dù chấp nhận xuống thang, đề nghị hợp tác với điện Kremlin nhưng Washington vẫn lo sợ tìm cách để đối phó với mong muốn cân bằng lợi ích trên chiến trường.

Theo Hòa Bình (Tổng hợp)

Đất Việt