1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga không nhằm mục tiêu "vượt mặt" Mỹ ở Trung Đông

Theo chuyên gia Dolgov, mục tiêu chính mà Nga theo đuổi ở Trung Đông là chống IS chứ không phải “vượt mặt” Mỹ ở khu vực này.

Chuyên gia cao cấp Boris Dolgov tại Trung tâm Nghiên cứu Arab và Hồi giáo của Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, mục tiêu địa chiến lược mà Nga nhằm đến ở Trung Đông không bao gồm việc “vượt mặt” Mỹ mà thay vào đó là tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực để đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ngăn “vòi bạch tuộc” của IS lan rộng khắp Trung Á và Bắc Caucasus.

Tên lửa hành trình bắn đi từ tàu chiến Nga ở biển Địa Trung Hải. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Tên lửa hành trình bắn đi từ tàu chiến Nga ở biển Địa Trung Hải. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Theo ông Dolgov, những động thái ngoại giao gần đây của Nga ở Trung Đông đã khiến nhiều nhà phân tích đưa ra nhận định cho rằng, Moscow đã vượt xa Washington trong việc gây dựng tiếng nói và tầm ảnh hưởng trong khu vực vốn luôn được xem là bất ổn nhất trên thế giới.

Nga thực sự quay trở lại Trung Đông

“Bài học mà chúng ta nên rút ra từ chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với khu vực Trung Đông là làm thế nào một quyền lực bên ngoài có thể theo đuổi các mục tiêu và lợi ích của họ đầy đủ hơn và tự do hơn.

Đơn giản là vì họ sẵn sàng hợp tác với bất kỳ ai, không bị giới hạn bởi việc đối tác là đồng minh hay cựu thù; gạt sang một bên những khác biệt về đường lối đối ngoại để hướng tới sự hợp tác thiết thực”, cựu nhân viên CIA Paul Pillar nhận định trong một bài viết đăng tải trên tạp chí The National Interest.

Pillar cũng nói thêm rằng, về khía cạnh này “Nga thực sự đã dẫn điểm trước Mỹ”.

Bình luận về ý kiến của Pillar, chuyên gia Boris Dolgov cho rằng, với những gì đã và đang diễn ra, có thể thấy rằng, Nga đã thực sự quay trở lại Trung Đông.

Chuyên gia Dolgov nói với tờ Svobodnaya Pressa: “Trong thời kỳ Xô Viết, Trung Đông được coi là đồng minh của Liên Xô. Giờ đây tình hình khác trước rất nhiều. Tuy nhiên, Nga đã trở lại khu vực. Trong số các đồng minh của Nga, Syria là một đối tác truyền thống”.

Theo ông Dolgov, Nga có lợi ích riêng của mình ở Trung Đông, vì thế nên Moscow luôn dành sự quan tâm cho khu vực này.

Nga hiện đang khôi phục lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ - nước chưa bao giờ được coi là đồng minh truyền thống của Nga. Mặt khác, điện Kremlin tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn với Iran.

Minh chứng cụ thể nhất cho mối quan hệ “mặn nồng” với Tehran chính là việc máy bay ném bom của Nga lần đầu tiên cất cánh từ căn cứ không quân Hamadan của Iran để tấn công các mục tiêu của phiến quân trên khắp Syria vào ngày 16/8.

Chia sẻ quan điểm với cựu nhân viên CIA Paul Pillar cho rằng, Nga “sẵn sàng hợp tác với bất kỳ đối tác nào trong khu vực”, chuyên gia Dolgov lưu ý: “Nga có kế hoạch của riêng mình ở Trung Đông”.

Ông Dolgov nhấn mạnh: “Điều quan trọng là Nga đã trở lại Trung Đông và chúng tôi đang tích cực theo đuổi những mục tiêu của mình ở đó”.

Chuyên gia Nikolay Kozhanov tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House) cũng đồng ý với quan điểm của ông Dolgov khi cho rằng, Nga đã quay trở lại thị trường vũ khí ở Trung Đông.

“Trung Đông không phải là thị trường vũ khí mới đối với Nga. Trước đây, Liên Xô từng xuất khẩu vũ khí sang Algeria, Ai Cập, Syria, Iraq, Iran, Libya, Sudan và Yemen. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga suy giảm”, chuyên gia Kozhanov nói.

Ông Kozhanov nói thêm: “Trong khoảng một thập kỷ qua, Nga đặc biệt tăng cường xuất khẩu vũ khí tới Trung Đông, đây là một phần của chiến lược đưa Nga trở lại, khẳng định vị thế của cường quốc có tiếng nói quan trọng trong khu vực”.

Theo ông Kozhanov, “chính cuộc chiến ở Syria đã làm hồi sinh ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí của Nga khi các loại vũ khí của Moscow đã chứng minh được độ tin cậy trên chiến trường”.

Máy bay Nga làm nhiệm vụ không kích các mục tiêu khủng bố ở Syria. (Ảnh: cdanews)
Máy bay Nga làm nhiệm vụ không kích các mục tiêu khủng bố ở Syria. (Ảnh: cdanews)

Mục tiêu của Nga là đánh bại Mỹ ở Trung Đông?

Đánh giá về việc Nga tiếp tục sử dụng tên lửa hành trình Kalibr để tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria, tờ New York Times mới đây cho rằng, Nga đang “phô diễn sức mạnh quân sự” nhằm chứng minh cho thế giới thấy rằng, họ có thể tấn công các mục tiêu ở Trung Đông gần như ở tất cả các hướng: từ Iran, từ các chiến hạm ở biển Caspian, từ căn cứ không quân ở Syria và từ biển Địa Trung Hải.

Không đồng tình với nhận định này, chuyên gia Dolgov cho rằng, Nga không cần phải chứng minh bất cứ điều gì với thế giới, những động thái của Moscow đơn giản chỉ là “hành động phù hợp với lợi ích” của Moscow.

Nga không đặt ra mục tiêu đánh bại Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác trong vấn đề Trung Đông, chuyên gia Dolgov nhấn mạnh: “Chúng tôi không cố gắng để ‘chơi trội’ trước Mỹ và phương Tây. Chính trị và địa chính trị có nghĩa là theo đuổi các mục tiêu rõ ràng. Mỗi nước lớn sẽ có hành động phù hợp với lợi ích của mình.

Nga có lợi ích địa chính trị của riêng mình ở Trung Đông. Chúng tôi không cố gắng để chứng tỏ cho thế giới thấy rằng chúng tôi mạnh mẽ hơn và tích cực hơn so với những nước khác”.

Theo chuyên gia Dolgov, mục tiêu chính mà Nga theo đuổi ở Trung Đông là chống lại phiến quân IS vì tổ chức này đã và đang đặt ra mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của Nga.

“Hoạt động của Nga ở Trung Đông là vì lợi ích của chúng tôi để đánh bại nguy cơ tiềm tàng đến từ IS, ngăn chặn, không cho phép nó lan rộng ra khắp khu vực Trung Á và Bắc Caucasus.

Ngày hôm nay, Nga cùng với Syria, Iraq và Iran đã tạo thành một trục chống khủng bố vững chắc trong khu vực. Điều quan trọng là Nga đã hợp tác với các nước để chống khủng bố, ngăn chặn nguy cơ đối với nước Nga ngay từ những vùng đất xa xôi”, chuyên gia Dolgov nhấn mạnh./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN