1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga khẳng định quyền tấn công hạt nhân trong học thuyến quân sự mới

(Dân trí) - Tổng thống Nga ngày 5/2 đã thông qua Học thuyết quân sự mới, trong đó đề cập quyền tấn công hạt nhân của Nga trước những kẻ thù tiềm tàng và coi việc mở rộng NATO cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là những mối đe dọa chính.

Nga khẳng định quyền tấn công hạt nhân trong học thuyến quân sự mới - 1
Học thuyết quân sự mới đề cập quyền tấn công hạt nhân của Nga trước những kẻ thù tiềm tàng
 
Theo các quan chức Nga, những sửa đối trong học thuyết quân sự mới được thực hiện căn cứ vào những nguy cơ và thách thức thực sự mà Nga phải đối mặt. Nội dung học thuyết được đăng trên trang điện tử của Điện Kremli ngay sau khi Tổng thống Dmitry Medvedev ký thông qua.
 
Học thuyết quân sự mới đề cập những mối đe dọa chính từ bên ngoài. Một trong những nguy cơ được nêu lên là biểu hiện “chia sẻ chức năng toàn cầu cho tiềm năng vũ trang NATO, những chức năng đang được thực hiện vi phạm tới các tiêu chuẩn quốc tế”. Ngoài ra, những mối đe dọa khác gồm mưu toan tiến lại gần biên giới Nga của hạ tầng quân sự NATO, kể cả thông qua việc mở rộng liên minh này; việc bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa NMD của Mỹ ở châu Âu, quân sự hóa vũ trụ, triển khai các hệ thống vũ khí chiến lược phi hạt nhân với độ chính sác cao.

Trong số các nguy cơ từ bên ngoài, Học thuyết còn liệt kê việc phổ biến vũ khí tấn công tập thể, tên lửa và công nghệ tên lửa, sự gia tăng số lượng các nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Nga cũng coi việc tồn tại những lực lượng quân sự nước ngoài trên các lãnh thổ láng giềng với Nga và các nước đồng minh của Nga, xung đột khu vực và khủng bố quốc tế là mối đe dọa lớn.

Học thuyết chỉ rõ “kết cấu an ninh quốc tế hiện tại, bao gồm cả cơ chế luật pháp quốc tế, không bảo đảm an ninh công bằng cho tất cả các quốc gia”.

Chiếm bộ phận đáng kể Học thuyết quân sự Nga là những nguyên tắc về vũ khí hạt nhân. Đây là vũ khí mang yếu tố quyết định ngăn ngừa xung đột quân sự. Học thuyết có tính đến khả năng cuộc xung đột vũ trang bình thường chuyển thành xung đột hạt nhân. Bởi thế, lưu ý tới những mối đe dọa hiện đại, “Nga dành cho mình quyền sử dụng vũ khí hạt nhân đáp lại đòn tấn công bằng hạt nhân hoặc vũ khí giết người hàng loạt khác, chống lại Nga hay các đồng minh của Nga, cũng như tấn công phủ đầu chống lại sự xâm lược trong các tình huống an ninh quốc gia bị đe dọa”, đồng thời nhấn mạnh cơ sở chính sách của Nga là nhằm ngăn ngừa bất cứ cuộc xung đột vũ trang nào, bất kể thông thường hay hạt nhân.

Cùng với Học thuyết quân sự, Tổng thống Nga đã chuẩn y “Nguyên lý chính sách quốc gia trong lĩnh vực kiềm chế hạt nhân tới năm 2020”. Bình luận về văn kiện này, Phó thư ký Hội đồng an ninh, cựu lãnh đạo Bộ tổng tham mưu Yuri Baluyevsky cho biết, Nga có ý định phát triển bộ ba hạt nhân chiến lược, gồm lực lượng tên lửa chiến lược, phi đội máy bay chiến lược và hạm đội tàu ngầm hạt nhân, để ngăn chặn một cuộc xâm lược có thể xảy ra.

Việt Hà
Theo RIA Novosti, Voice of Russia