Nga dùng "vũ khí không thuốc súng" khắc chế bom, đạn thông minh của Ukraine
(Dân trí) - Chuyên gia nhận định năng lực tác chiến điện tử của Nga đã được nâng cấp một cách tối ưu sau hơn một năm chiến sự, góp phần làm giảm đáng kể hiệu quả của các vũ khí dẫn đường thông minh Ukraine.
Theo báo cáo của viện RUSI (Anh), khả năng gây nhiễu của Nga đã trở nên hiệu quả tới mức cả Ukraine, Mỹ và NATO đều không còn có thể chắc chắn bom JDAM và các vũ khí thông minh khác do phương Tây cung cấp có thể đánh trúng mục tiêu.
"Hoạt động gây nhiễu không chỉ khiến JDAM ngừng hoạt động mà nó có đe dọa tới độ chính xác của vũ khí", nhà nghiên cứu Thomas Withington nhận định.
Theo RUSI, các hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Nga giờ đây có thể đơn giản là làm mất tín hiệu dẫn đường GPS từ vệ tinh.
Tại Ukraine, Nga được cho sử dụng các tổ hợp EW như Krasukha-2, Krasukha-4, RB-341V LEER-3, R-330Zh Zhitel, Murmansk-BN và Moskva-1. Chúng có thể gây nhiễu tín hiệu định vị vệ tinh radar, vô tuyến, liên lạc ở các tần số khác nhau.
Nga dường như cũng dùng tổ hợp 14Ts227 Tobol, có khả năng gián đoạn quá trình đồng bộ hóa hệ thống internet vệ tinh Starlink với các thiết bị đầu cuối ở mặt đất.
Trước đó, trong một báo cáo của Lầu Năm Góc bị rò rỉ vào tháng 4, có những cảnh báo về việc thiết bị gây nhiễu của Nga đang làm giảm độ chính xác của vũ khí dẫn đường Mỹ, bao gồm cả bom JDAM và rocket HIMARS.
Trước đó, JDAM từng được xem là niềm hy vọng của Ukraine để phản công trước Nga do giá thành hợp lý, có thể biến các loại bom thông thường thành bom dẫn đường uy lực. Tuy nhiên, màn thể hiện của JDAM đã không thực sự ấn tượng.
Gần đây, các rocket HIMARS của Ukraine cũng không gây ra những vụ tấn công đáng chú ý như hồi mùa hè năm ngoái, trong bối cảnh các hệ thống gây nhiễu của Nga đã làm việc hiệu quả hơn, theo RUSI.
Việc Nga phát triển các biện pháp đối phó không có gì đáng ngạc nhiên. Tất cả vũ khí cuối cùng sẽ mất đi một số hiệu quả khi đối phương tìm cách thích nghi và thay đổi. Mặt khác, Nga là cường quốc tác chiến điện tử với hàng chục năm nghiên cứu về các loại công nghệ nên việc cải tiến nhanh chóng không phải là điều bất thường.
Ví dụ, chuyên gia Withington nói về tổ hợp R-330Zh Zhitel của quân đội Nga, một hệ thống gây nhiễu di động gắn trên xe tải được thiết kế đặc biệt để phá vỡ liên lạc GPS và vệ tinh trong dải sóng 100MHz đến 2GHz.
"Tín hiệu từ các vệ tinh GPS của Mỹ mà bộ công cụ JDAM sử dụng được truyền trên dải sóng từ 1,164 GHz đến 1,575GHz, nằm gọn trong tầm gây nhiễu của R-330Zh", ông chỉ ra.
Theo RUSI, việc Nga cố gắng ngăn chặn vũ khí Ukraine kết nối với GPS là một phần trong chiến dịch tác chiến điện tử quy mô lớn cũng đã làm gián đoạn hoạt động liên lạc vô tuyến và máy bay không người lái của Ukraine.
Các lực lượng Nga "hiện bố trí cứ 10km chiều dài chiến tuyến có 1 hệ thống tác chiến điện tử chính, thường nằm cách tiền duyên khoảng 7km", theo RUSI. Nỗ lực này khiến Ukraine mất trung bình 10.000 UAV mỗi tháng.
Theo RUSI, lực lượng tác chiến điện tử của Nga cũng có "khả năng cao" trong việc chặn thu và giải mã thông tin liên lạc vô tuyến của Ukraine. Trong một trường hợp, Nga đã đọc được một tin nhắn vô tuyến được mã hóa từ quân đội Ukraine đang chỉ thị một nhiệm vụ hỏa lực trong thời gian thực, cho phép các chỉ huy Moscow gửi cảnh báo tới các đơn vị của họ.
Tuy nhiên, tác chiến điện tử có những hạn chế. Việc phát ra các chùm gây nhiễu tiết lộ vị trí của thiết bị tác chiến điện tử và Ukraine dường như đã định vị và phá hủy các hệ thống của Nga như R-330Zh.
Mặt khác, việc phá sóng vô tuyến bằng các chùm tia gây nhiễu mạnh cũng có thể làm gián đoạn liên lạc của Nga. Theo chuyên gia, hệ thống GLONASS của Nga cũng phát ra một số tín hiệu tương đồng như GPS.