1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga dùng năng lượng giúp EU rời con thuyền đắm Ukraine

Moscow quyết định giảm giá bán khí đốt cho Kiev, nhưng đây là một nước cờ cao tay khiến cả phương Tây và Ukraine đều khó chịu.

Vì sao Nga giảm giá khí đốt cho Ukraine?

Ngày 31/3/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủng hộ đề xuất bán khí đốt với giá ưu đãi cho Ukraine trong 3 tháng tiếp theo bằng cách kéo dài "Gói mùa Đông" cho Kiev.

Cụ thể, Ukraine sẽ được mua khí đốt trong quý 2/2015 với giá 250 USD/1.000m3. Mức giá này so với quý 1 đã được giảm 25%. Tuy nhiên, để nhận được khoản ưu đãi này, Kiev sẽ phải chịu một loạt các biện pháp hà khắc về vấn đề thanh toán.

Kiev sẽ phải thanh toán trước tiền toàn bộ số khí đốt sẽ mua trong 3 tháng này. Đồng thời, số tiền mà Tập đoàn khí đốt Ukraine Naftogaz còn nợ Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom là 2,5 tỷ USD cũng phải được thanh toán lập tức.

Thời điểm mà Tổng thống Putin tuyên bố giảm giá khí đốt cho Ukraine chỉ cách "giới hạn chót" 3 tiếng đồng hồ, khi kết thúc ngày 31/3/2015, Ukraine sẽ lập tức bị Nga khóa van nguồn cung năng lượng và chờ đợi một thỏa thuận đàm phán mới.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã khẳng định họ sẽ dừng mua khí đốt của Nga từ ngày 1/4 nếu phía Nga không giảm giá khí đốt. Thay vào đó, ông Poroshenko cho biết những đối tác EU đã quyết định cung cấp cho Ukraine số khí đốt cần thiết để nước này sử dụng.
 
Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom sẽ bán khí đốt với giá rẻ hơn 25% giá hiện tại cho Ukraine

Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom sẽ bán khí đốt với giá rẻ hơn 25% giá hiện tại cho Ukraine

Thông tin mà ông Tổng thống Poroshenko đưa ra đồng nghĩa với việc EU sẽ phải mua khí đốt của Nga và cung cấp ngược lại cho Ukraine. Điều này cho thấy châu Âu một lần nữa không thể tự tách mình ra khỏi cuộc khủng hoảng ở quốc gia này, điều mà thời gian gần đây, EU đang nỗ lực thực hiện.

Nhìn vào thỏa thuận khí đốt mà Nga và Ukraine vừa đạt được, có thể nhìn nhận một số vấn đề. Trước hết, Nga một lần nữa ràng buộc Ukraine vào nguồn cung cấp khí đốt của mình, và chắc chắn, năng lượng sẽ tiếp tục duy trì được vai trò như một mắt xích quan trọng trong chiến lược sức ép với quốc gia láng giềng mà Nga áp đặt.

Thứ hai, với thỏa thuận này, Kiev sẽ phải bỏ tiền ra để trả nợ cho Nga nếu muốn tiếp tục được sử dụng. Tuy nhiên, họ sẽ lấy đâu ra tiền để trả nợ, trong bối cảnh ngân quỹ quốc gia của nước này gần như cạn kiệt và nền kinh tế đứng trước nguy cơ phá sản.

Gần đây nhất, Ukraine nhận được món tiền 5 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF trong một khoản vay trị giá tới 17,5 tỷ USD. Đồng thời, họ cũng đạt được thỏa thuận với EU về việc vay 1,8 tỷ euro để giải quyết những nhu cầu trước mắt. Với hai khoản vay này, với Ukraine chẳng khác gì muối bỏ bể.

Tuy nhiên, Moscow không cần biết đến nhu cầu của Kiev ra sao với số tiền đó, họ chỉ cần biết rằng tiếp tục bán được khí đốt, đòi được nợ, và gia tăng thêm nhiều sức ép đến với chính quyền của quốc gia này.

Và một khi Kiev bí tiền, Mỹ và EU sẽ buộc phải tiếp tục cung cấp cho "cái túi không đáy" này để duy trì những mục tiêu chính trị của họ với Ukraine.

Vấn đề thứ ba, không kém phần quan trọng, đó là Nga đã gián tiếp giúp EU thoát khỏi đống lộn xộn Ukraine. Với giá khí đốt đầy ưu đãi như vậy, khẳng định rằng Ukraine sẽ tiếp tục sử dụng năng lượng trực tiếp từ Nga mà không phải đi đường vòng từ EU. Và tất nhiên, liên minh châu Âu cũng rũ bỏ được trách nhiệm phải đứng mũi chịu sào cho quốc gia này.

Khi Nga đã cứu EU ra khỏi Kiev, tất nhiên họ sẽ có những thỏa thuận, đàm phán mới về vấn đề Ukraine. Đó là lý do vì sao ngay sau khi thỏa thuận khí đốt được công bố, nhóm bộ tứ cũng lên kế hoạch gặp nhau vào ngày 13/4 tới.
 
Ukraine sẽ tiếp tục phải mua khí đốt của Nga mà không phải từ EU

Ukraine sẽ tiếp tục phải mua khí đốt của Nga mà không phải từ EU

Cần nhớ rằng, Ukraine nhiều ngày qua đã kêu gọi sự cứu giúp khẩn cấp từ EU với những vấn đề nội tại của họ, nhưng chỉ có một lời hồi đáp duy nhất là chờ đến cuộc họp giữa EU và Ukraine vào cuối tháng 4 này.

Có thể thấy rằng, Đức, Pháp, Nga đã sốt sắng nhằm đảm bảo thỏa thuận Minsk được thực hiện, giải quyết dứt điểm vấn đề Ukraine hơn là việc phá vỡ thỏa thuận ấy và tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa như cách mà Kiev đang nỗ lực thực hiện.

Tương lai Kiev đang đếm từng ngày

Thỏa thuận khí đốt với Nga đã một lần nữa dập tắt hi vọng của Kiev về việc sẽ lôi kéo được EU ngồi chung con tàu đắm với mình. Việc Ukraine duy trì các hành động quân sự với miền Đông cũng chỉ là một động thái nằm trong chuỗi nỗ lực cầu cứu sự giúp đỡ của EU.

Bởi Ukraine vẫn hi vọng rằng châu Âu sẽ thực hiện lời hứa của họ được phát đi từ cuộc họp thượng đỉnh cuối tháng 2/2015, rằng sẽ gia tăng trừng phạt Nga nếu như thỏa thuận Minsk thất bại. Tuy nhiên, OSCE đã chỉ thẳng bản chất của việc Minsk đổ bể không phải từ Nga, hay ly khai, mà chính Kiev là người đã châm ngòi các hành động quân sự.

Tại Ukraine lúc này, phe ly khai đang ngày càng im hơi lặng tiếng. Họ không kêu đòi quyền lợi tự trị cho mình, họ không giảm những tần suất cáo buộc Kiev tấn công quân sự, vì điều này đã có OSCE chứng minh hộ. Điều duy nhất mà ly khai thực hiện lúc này là phòng ngự hiệu quả và tích trữ sức mạnh cho chính mình.

Ly khai Donbass đã âm thầm rút lui vào im lặng, nhường sự ồn ào lại cho Kiev khi phải đối diện với một loạt những hành động chống đối từ phía các nhà tài phiệt khác.

Ngày 31/3, hành động công khai nhất của những người đối lập với Kiev đó là ra mắt "Nội các trong bóng tối" ngay tại Thủ đô. Người đứng đầu nội các này là ông Boris Kolesnikov, với bộ sậu gồm 4 phó thủ tướng và 12 bộ trưởng.
 
Ông Boris Kolesnikov - người đứng đầu nội các trong bóng tối của Ukraine

Ông Boris Kolesnikov - người đứng đầu nội các trong bóng tối của Ukraine

Ông Kolesnikov nêu rõ: "Chính phủ hiện hành hoàn toàn không có năng lực. Vì thế, trên cơ sở thông lệ châu Âu, chúng tôi thành lập chính phủ trong bóng tối, làm cơ sở chung để phát triển các dự án chiến lược quan trọng trong lĩnh vực kinh tế xã hội, cũng như cải cách hiến pháp và an ninh quốc gia."

Bất chấp Kiev đã có một loạt động thái nhằm triệt hạ sức mạnh của phe đối lập, như ra sắc lệnh bỏ tù người phản đối chính phủ, hay giải tán các quân đoàn tình nguyện (lính đánh thuê của tài phiệt), thì việc nội các bóng tối hiện diện công khai ở Ukraine đã cho thấy sự bất lực của chính quyền Poroshenko, và cũng là sự lớn mạnh, thắng thế của các tổ chức, đảng phái chính trị, thậm chí là quân sự đối lập.

Đồng thời, phe Cực hữu (Right Sector) cũng tuyên bố họ sẽ thành lập một quân đội độc lập tham gia các chiến dịch quân sự ở miền Đông mà không chịu sự chỉ đạo của quân đội Ukraine. Thủ lĩnh nhóm Right Sector, ông Dmytro Yarosh cũng khẳng định họ sẽ kêu gọi tài trợ vũ khí từ phía Mỹ và chắc chắn có những dấu hiệu tích cực.

Các tiểu đoàn tình nguyện khác vẫn được duy trì dưới sự cung cấp tiền, vũ khí của các nhà tài phiệt Ukraine. Trong khi nhà tài phiệt vừa bị hạ bệ là Igor Kolomoisky luôn ấp ủ những âm mưu đảo chính và không ngại công khai nó.

Hiện tại, Kiev là một chính quyền bất tài khi không hàng phục được lực lượng miền Đông, không khống chế được phe đối lập, và tương lai của chính quyền này chỉ đếm từng ngày nếu không nhận được sự hậu thuẫn từ phía Mỹ hay EU.
Chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở miền Đông Ukraine
Chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở miền Đông Ukraine

Trong khi đó, Washington vẫn im hơi lặng tiếng. Không còn các chuyến thăm của Phó Tổng thống Joe Biden, không còn lời chỉ trích đe dọa Nga từ Tổng thống Mỹ Obama. Tất cả những gì còn lại là các lời kêu gọi viện trợ vũ khí, nhưng không một lần hồi âm phúc đáp.

Ukraine ngày càng kiệt quệ, Kiev đang rơi vào tỉnh cảnh bị đem con bỏ chợ. Trong khi đó, Nga vẫn kiên định với những quyết định chiến lược của mình. Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin cho biết với việc sáp nhập Crimea, Nga sẽ thiệt hại khoảng 200 tỷ USD trong 3-4 năm tới.

Cụ thể, việc hỗ trợ tài chính cho Crimea làm Nga tiêu tốn từ 6-7 tỷ USD mỗi năm. Toàn bộ thiệt hại gián tiếp và những thiệt hại khác như việc rút vốn ồ ạt (ra nước ngoài) tất nhiên sẽ lớn hơn rất nhiều. Tổng thiệt hại có thể ở mức từ 150-200 tỷ USD trong 3-4 năm tới.

Ông Kudrin nói thêm "đó là cái giá phải trả", khi đề cập tới các yếu tố như sự sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư và áp đặt "luật chơi mới."

Điều này đồng nghĩa với việc Nga chấp nhận chi đậm để mang lại quyền lợi cho quốc gia mình. Và chắc chắn, với những người ly khai ở Donbass, nếu Moscow đã có những toan tính với lực lượng này, chắc chắn họ không dễ dàng đem con bỏ chợ mà sẽ theo đuổi cuộc chơi đến cùng.

Theo Đỗ Minh Tú
Đất Việt