1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga dùng 5 tên lửa Iskander hạ mục tiêu Ukraine

Minh Phượng

(Dân trí) - Nga phóng cùng lúc tới 5 quả tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M để phá hủy một mục tiêu của Ukraine. Vì sao Moscow phải làm vậy?

Nga dùng 5 tên lửa Iskander hạ mục tiêu Ukraine - 1

Nhà máy sửa chữa xe thiết giáp 346 của Ukraine tại thành phố Mykolaiv bị tên lửa Iskander tấn công đêm 15/10 (Ảnh Bulgarian Military).

5 tên lửa Iskander-M tấn công vào một mục tiêu

Khuya 15/10, lực lượng Moscow phóng cùng lúc 5 tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M vào Ukraine, gây ra cảnh tượng như địa ngục tại một nhà máy quốc phòng tại thành phố Mykolaiv.

Trước đây, chiến thuật sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander-M của quân đội Nga phổ biến nhất là đòn tấn công theo kiểu "phẫu thuật phát một", hoặc cùng lắm là phóng bồi quả thứ hai, sau khi lực lượng ứng cứu giải tỏa tiếp cận hiện trường, để tăng thêm độ sát thương.

Việc họ liên tiếp phóng 5 đạn tên lửa Iskander-M vào một mục tiêu đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng tình báo phương Tây.

Vì Moscow giữ bí mật nên đã có nhiều tranh cãi về giá thành của tên lửa đạn đạo 9K723 Iskander-M. Một số người cho rằng khoảng 2 triệu USD/quả, số khác là 3 triệu USD nhưng cũng có ý kiến nói lên tới 10 triệu USD.

Thậm chí, tính theo mức giá tối thiểu 2 triệu USD/quả, thì 5 tên lửa Iskander-M có giá ít nhất là 10 triệu USD, chi phí này không hề rẻ đối với Nga hiện nay.

Vì vậy, việc sử dụng nhiều tên lửa quý giá như vậy, để tấn công một mục tiêu cùng lúc, chắc chắn đó sẽ là thứ gì hết sức quan trọng. Vậy thành phố Mykolaiv có mục tiêu gì, khiến nó phải hứng chịu một đòn nặng như vậy?

Câu trả lời đó chính là Nhà máy sửa chữa xe tăng và thiết giáp số 346 của Ukraine nằm ở ven sông.

Đánh giá từ video máy bay không người lái trinh sát quay được, do Bộ Quốc phòng Nga công bố, 5 tên lửa đã đánh trúng khu vực nhà máy theo góc gần như thẳng đứng, tạo ra những quầng lửa khổng lồ, có thể nhìn thấy rõ ở chế độ hồng ngoại.

Nga phóng 5 tên lửa Iskander hủy diệt mục tiêu Ukraine (Video: Bộ Quốc phòng Nga).

Trong những bức ảnh tại chỗ được truyền thông phương Tây đăng tải, toàn bộ nhà máy chìm trong biển lửa dữ dội.

Báo Daily Express của Anh đã sử dụng cụm từ "những bức ảnh tận thế", để mô tả Nhà máy sửa chữa xe tăng thiết giáp số 346 sau vụ tấn công.

Sau vụ tấn công, khả năng cao là doanh nghiệp quốc phòng này của Ukraine sẽ không còn khả năng sản xuất hoặc sửa chữa xe tăng, xe bọc thép trong thời gian dài.

Liên quan đến cuộc tấn công kể trên, có thông tin là quân đội Nga đã phóng tới 7 tên lửa Iskander-M vào Mykolaiv lúc 1 giờ sáng ngày 15/10. Trong đó 5 quả trúng Nhà máy sản xuất xe tăng thiết giáp 346 và 2 quả trúng các địa điểm khác ở phía nam thành phố.

Thống đốc vùng Mykolaiv của Ukraine cho biết, vụ tấn công tên lửa của Nga, làm 1 người thiệt mạng và 23 người khác bị thương, các nhà hàng, nhà dân bị trúng đạn, có thể do hai tên lửa này bắn trúng.

Tuy nhiên, điều thú vị là tin tức Ukraine tiết lộ rằng trong số 5 tên lửa tấn công nhà máy, có một quả rơi xuống gần kho dầu và gây ra vụ nổ lớn. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ nổ dữ dội, được UAV trinh sát của Nga quay được.

Bốn tên lửa khác bắn trúng xưởng lắp ráp và bảo trì, hơn 10 phương tiện thiết giáp bị phá hủy hoàn toàn, 6 xe tăng và 4 xe bọc thép đang chờ sửa chữa cũng bị xóa sổ.

Về lý do tại sao vụ tấn công xảy ra vào sáng sớm, có suy đoán cho rằng, quân đội Nga có thể đã cố gắng giảm thiểu thương vong nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, nguồn tin Ukraine cho biết, nhà máy đã hoạt động theo 3 ca, nên dù cuộc tấn công vào ban đêm, vẫn khiến hơn 30 công nhân và binh sĩ thương vong.

Vụ cháy do tên lửa gây ra, mãi đến sáng hôm đó mới được dập tắt.

Nhà máy sửa chữa xe tăng và thiết giáp số 346 quan trọng ra sao?

Bước sang nửa cuối năm 2024, lực lượng Kiev liên tục rút lui trên nhiều mặt trận. Chưa kể việc mất đi cứ điểm Ugledar, dù đã cầm cự được hơn hai năm, thì quân đội Ukraine đang phải chật vật chống đỡ trên toàn chiến tuyến trong khi sự hỗ trợ của phương Tây "lúc nổ, lúc xịt", càng gây thêm khó khăn cho họ.

Đức tuyên bố sẽ ngừng viện trợ vũ khí hạng nặng, Mỹ cũng cần phân bổ một phần nguồn lực cho Israel... Trong hoàn cảnh như vậy, quân đội Ukraine cần thêm vũ khí để tiếp tế cho chiến trường thông qua việc huy động nội lực trong nước. Để chiến tuyến khỏi bị sụp đổ trong mùa đông năm nay, yêu cầu cơ bản là phải có đủ xe tăng và xe bọc thép.

Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine được hưởng hạ tầng công nghiệp quốc phòng vô cùng phong phú so với các nước cộng hòa khác, như Nhà máy xe tăng Kharkov, Nhà máy chế tạo máy Malyshev, Nhà máy xe tăng Kiev và Nhà máy xe tăng Lvov,... đều là những doanh nghiệp sản xuất vũ khí có uy tín.

Để so sánh, mặc dù thành phố Mykolaiv nổi tiếng hơn với Nhà máy đóng tàu Biển Đen, có thể chế tạo tàu sân bay, nhưng Nhà máy sửa chữa xe tăng và thiết giáp số 346 cũng là một doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng nổi tiếng.

Nơi đây không chỉ có thể sửa chữa và bảo trì nhiều thiết bị bọc thép hạng nặng khác nhau của quân đội Ukraine, mà còn có khả năng phát triển các mô-đun chiến đấu của riêng mình, khi cho ra đời xe bọc thép cải tiến như BTR-80U.

Năm 2012, nhà máy được đổi tên thành Nhà máy thiết giáp Mykolaiv và trở thành sở hữu nhà nước của Ukraine. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu và phát triển của nhà máy này đã xuống cấp.

Phải đến khi cuộc khủng hoảng Crimea nổ ra 2 năm sau đó, chính phủ Ukraine mới bắt đầu mở rộng quân đội với sự hỗ trợ của phương Tây. Nhà máy sửa chữa xe tăng và thiết giáp số 346 lúc này đã nhận được số lượng lớn đơn đặt hàng từ chính phủ. Cùng với đó là nhiều xe bọc thép hạng nặng, bị hỏng ở chiến trường Donbass, đã được đưa về đây sửa chữa và Nhà máy lại có cơ hội phát triển.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, Nhà máy sửa chữa xe tăng và thiết giáp số 346 chuyển sang hoạt động sản xuất thời chiến.

Chính phủ Ukraine cung cấp tài chính trong khi Đức, Ba Lan và các nước khác cung cấp công nghệ để sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí phương Tây như xe tăng Leopard 2 và xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức; xe tăng Challenger 2 của Anh; xe tăng Abrams, xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ… đều được sửa chữa tại đây.

Xe chiến đấu bộ binh bánh lốp BTR-4 của Ukraine cũng đang được Nhà máy sản xuất.

Vào tháng 6 năm nay, công ty quốc phòng Rheinmetall của Đức đã công bố kế hoạch thành lập một trung tâm bảo trì ở miền Tây Ukraine, để có thể bảo trì nhanh chóng và dễ dàng các vũ khí do Đức sản xuất, hiện có trong quân đội Ukraine. Ngoài ra, hãng này cũng có kế hoạch thành lập 4 nhà máy ở Ukraine, để sản xuất thêm các loại vũ khí hạng nặng, trong đó kỹ thuật viên người Ukraine sẽ làm việc trực tiếp tại các nhà máy.

Mặc dù chưa rõ Nhà máy sửa chữa thiết giáp xe tăng 346 đóng vai trò gì trong các kế hoạch xây dựng mới kể trên, nhưng việc có nhiều nhân lực kỹ thuật chuyên môn và cơ sở hạ tầng sẵn sàng như vậy, sẽ là một mục tiêu quan trọng mà Nga không thể bỏ qua.

Tất nhiên, trong thời điểm khó khăn nhất của Ukraine, khi các nước phương Tây bắt đầu thấy "oải" vì cuộc chiến, vẫn chưa biết liệu những kế hoạch viện trợ này có thể thực hiện được hay không?

Sau khi Nhà máy sửa chữa thiết giáp xe tăng 346 bị Nga tấn công phá hủy, tác động đến khả năng cơ động và sức tấn công của quân đội Ukraine có thể được nhìn thấy nhiều nhất trong khoảng một hai tháng tới đây.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm