1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga “điếng người” khi liên tục bị Trung Quốc đánh “đòn hiểm”

Một trong những động thái mới nhất mang tính chủ đạo khiến Nga bồn chồn không yên chính là bản chất thực dụng trông thấy của Trung Quốc.

Chưa thấy đâu dấu hiệu rõ nét về việc hợp sức cùng Nga tạo thành thành trục liên kết chống phương Tây, Bắc Kinh đã lại thực thi trò chơi toàn cầu bao vây Nga – rất chính xác, mau lẹ và không có bất kì sự trợ giúp đáng kể nào đối với Moskva.

Việc Trung Quốc khởi động đề án “Con đường Tơ lụa mới” mới đây và hoàn toàn bỏ qua lãnh thổ Nga, là một cú đánh mạnh vào lợi ích kinh tế của Moskva.

Tuyến đường sắt cao tốc container Nomad đầu tiên theo hành trình Tân Cương (Trung Quốc) - Dostyk ((Kazakhstan) - Aktau - Alat (Azerbaijan) và là một bộ phận cấu thành của "Con đường tơ lụa mới" đã chính thức được khai trương hôm 3/8. Từ Azerbaijan, tàu hỏa cao tốc sẽ chạy tới Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ và vươn tới các nước trong Liên minh châu Âu (EU). Từ đây, một dự án hỗn hợp về tuyến hành lang quốc tế xuyên Caspi kết nối “Con đường tơ lụa mới” đã trở thành hiện thực.

Nga “điếng người” khi liên tục bị Trung Quốc đánh “đòn hiểm” - 1

Lãnh đạo Azerbaijan bấm nút khai trương tuyến đường sắt cao tốc Nomad tại Baku hôm 3/8. (Ảnh: KTZ)

Điểm đặc trưng là nó tránh đi qua Nga, với hành trình được rút ngắn xuống chỉ còn 6 ngày so với 25-40 ngày trước đây. Không những vậy, việc Trung Quốc cạnh tranh “sống còn” với Nga về các tuyến đường trung chuyển ở lục địa Á - Âu, kiểm soát các nguồn lợi về dầu mỏ, khí đốt tại Trung Á sẽ bào mòn lợi ích của Moskva. “Con đường tơ lụa mới” có sức hấp dẫn hơn hẳn so với tuyến đường sắt xuyên Siberia của Nga.

Bên cạnh đó, việc Kazahkstan tham gia vào siêu dự án này cho thấy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Astana: Hướng về Bắc Kinh nhiều hơn là Moskva. Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất chính là việc, hành lang thông thương này đã tạo cho Ukraine có được cơ hội “có một không hai”: là điểm trung chuyển hàng hóa lớn của “Con đường tơ lụa mới”. Đây thực sự là những “đòn đánh” cực hiểm, làm phá sản mong đợi của Moskva về trục chiến lược Nga - Trung đủ sức đối chọi với phương Tây.

Thêm một “phát súng” nữa nhằm vào Nga: Triển vọng hợp tác năng lượng Nga - Trung có dấu hiệu xấu đi trông thấy. Hợp đồng khủng trị giá 400 tỉ USD ký kết tháng 5/2014 giữa Gazprom (Nga) với Tập đoàn dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) về xây dựng tuyến đường ống khí đốt “Sức mạnh Siberia” đã bị đóng băng vô thời hạn. Hệ quả là chiến lược của Nga “chuyển dòng khí đốt” sang phương Đông với Trung Quốc đối tác chủ chốt đã thất bại.

Nguyên nhân chính nằm ở chỗ nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc giảm sút khi tăng trưởng kinh tế giảm; cùng với đó là việc nước này chú trọng khai thác tiềm năng khí đốt ngay trong nội địa (năm 2020, Trung Quốc sẽ khai thác được 30 tỉ m3 khí chỉ từ đá phiến), tăng cường nhập khẩu từ Turkmenistan (30 tỉ m3 hiện nay và có thể lên tới 60-70 tỉ m3 vào năm 2020).

Không những vậy, Bắc Kinh luôn thúc ép Moskva phải chấp nhận mức giá thấp hơn các đối tác nhập khẩu khác của Nga; không đưa ra bất kì hình thức trợ giúp tài chính nào đối với việc xây dựng đường ống trên lãnh thổ Nga. Chính những nhùng nhằng này đã làm phá sản hy vọng về hợp tác năng lượng Nga – Trung trong bối cảnh Moskva liên tục bị phương Tây dồn ép bằng các đòn cấm vận, trừng phạt kinh tế.

Nga “điếng người” khi liên tục bị Trung Quốc đánh “đòn hiểm” - 2

Còn nhiều điểm chưa rõ ràng về cái bắt tay Nga - Trung Quốc.

Các ngân hàng Trung Quốc thời gian qua cũng giảm can dự vào giao dịch ngoại thương với Nga. Việc hai bên đồng ý thực hiện hoán đổi tiền tệ trong hoạt động biên mậu xuất phát chủ yếu từ việc Bắc Kinh muốn mở rộng “không gian lưu hành” của đồng NDT sau khi thấy luồng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi Nga với số lượng lớn.

Nga và Trung Quốc đã ký hàng chục thỏa thuận về hợp tác kinh tế trong 2 năm trở lại đây, cùng với đó là những cam kết ở cấp lãnh đạo cao nhất. Vậy nhưng trên thực tế kim ngạch thương mại hai chiều đã giảm tới 28,9% trong 6 tháng đầu năm 2015, chỉ đạt mức 37,72 tỉ USD.

Nhìn lại cục diện thế giới trong hơn một năm qua gắn với khủng hoảng Ukraine, nhiều người bắt đầu đặt ra câu hỏi: Trung Quốc thực sự chọn Nga hay chọn Mỹ và phương Tây? Một nước Nga bất ổn, suy yếu sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Bắc Kinh, nhất là ở khí cạnh tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng giàu có, cùng với đó là những toan tính địa chính trị?

Theo Hoài Thanh/Unian, RBTH

baotintuc.vn

Nga “điếng người” khi liên tục bị Trung Quốc đánh “đòn hiểm” - 3