1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga có thể đã mô phỏng thiết kế UAV tự sát của Iran

Quốc Đạt

(Dân trí) - Nga có thể đã chế tạo bản sao của UAV mà nước này mua từ Iran để sử dụng trong cuộc xung đột Ukraine, theo báo cáo mới được công bố của một nhóm nghiên cứu độc lập về vũ khí.

Nga có thể đã mô phỏng thiết kế UAV tự sát của Iran - 1

Một chiếc UAV bay qua Kiev (Ảnh: AFP/Getty).

Báo cáo mới của cho rằng mẫu UAV có tên Geran-2 của Nga thực tế là phiên bản mô phỏng model Shahed-136 do Iran sản xuất.

Để viết báo cáo mới nhất, các nhà nghiên cứu của tổ chức Nghiên cứu Vũ khí Xung đột - có trụ sở tại Anh và chuyên theo dõi lĩnh vực vũ khí, đạn dược - đã tới Kiev vào cuối tháng 7 và kiểm tra xác 2 UAV được dùng tại đông nam Ukraine.

Cả 2 có vẻ giống Shahed-136 của Iran, nhưng chúng chứa các mô-đun điện tử khớp với các thành phần được thu hồi trước đó từ UAV trinh sát của Nga. Ngoài ra, vật liệu chế tạo và cấu trúc bên trong thân của 2 UAV này rất khác vật liệu được sản xuất ở Iran, theo các nhà nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu cho rằng phần thân UAV Shahed-136 của Iran được chế tạo bằng loại vật liệu nhẹ dạng tổ ong, còn phần thân Geran của Nga được làm từ sợi thủy tinh phủ lên trên các lớp sợi carbon dệt.

Bộ phận dẫn đường của cả 2 chiếc Geran được thu hồi vào tháng 7 có chứa các mô-đun điện tử có tên Kometa - có nghĩa là "sao chổi" trong tiếng Nga. Nhóm nghiên cứu từng tìm thấy loại mô-đun này trong xác các UAV của Nga được thu hồi từ chiến trường.

Nga có thể đã mô phỏng thiết kế UAV tự sát của Iran - 2

Xác bộ phận dẫn đường vệ tinh Kometa được các nhà nghiên cứu tìm thấy trong 1 chiếc UAV Geran-2 vào ngày 27/7 (Ảnh: Conflict Armament Research).

Bằng cách dùng hệ thống dẫn đường Kometa, quân đội Nga có thể đã đơn giản hóa các thiết bị điện tử cần có để UAV có thể bay và tìm đường.

Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga từ sau ngày 24/2/2022, nhằm ngăn Moscow tiếp cận các thiết bị điện tử do nước ngoài sản xuất như chất bán dẫn, máy tính, tia laser và thiết bị viễn thông. Nhưng các biện pháp đó không ngăn được Nga mua sản phẩm từ thị trường toàn cầu.

"Phát hiện của chúng tôi còn đặt ra câu hỏi đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và chống gian lận xuất xứ, vì nhiều linh kiện chúng tôi tìm thấy được sản xuất sau tháng 2/2022", ông Damien Spleeters, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.

Nga chưa lên tiếng về thông tin trên.

Theo New York Times