Nga có tham gia quá nhiều mặt trận?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cùng một lúc phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP)
Cuối tuần qua, các nhà hoạt động Ukraine đã làm nổ các tháp truyền tải điện và cắt nguồn cung điện tới bán đảo Crimea. Ở St. Petersburg, quê hương của ông Putin, một đội 600 xe tải hạng nặng ùn ùn kéo về tòa nhà chính quyền thành phố để biểu tình phản đối thuế cầu đường Nga. Và ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria ngày 24/11 vừa qua, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay ném bom của Nga.
Tại Crimea, bóng tối đã bao trùm những ngôi nhà trong gần 3 ngày, và tỉnh trưởng Sergei Aksyonov đã kêu gọi người dân “chuẩn bị cho tình huống xấu nhất” – đó là, Crimea có thể bị mất điện cho đến cuối tháng 12. Ở St. Petersburg, cảnh sát bỏ cuộc việc ngăn chặn các xe tải và giới chức địa phương đồng ý gặp các lái xe.
Ngày 24/11, nhà lãnh đạo Nga gọi vụ Su-24 bị Ankara bắn hạ là “nhát đâm sau lưng” bởi “những kẻ đồng loã khủng bố”. Ông cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ các phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bởi họ buôn lậu dầu vào nước này.
Khi Nga nhận ra máy bay hành khách A321 của hãng hàng không Nga Kogalymavia bị rơi do trúng bom của khủng bố ở Ai Cập hồi tháng trước, ông Putin đã thề sẽ “tìm ra và trừng trị” những kẻ gây ra thảm kịch này. Còn trong phát biểu hôm 24/11, ông có vẻ nhẹ nhàng hơn: “Những sự việc bi kịch hôm nay sẽ dẫn tới hậu quả đối với quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho các hành vi tội ác như ngày hôm nay”.
Nhiều chuyên gia cho rằng một phản ứng mạnh mẽ của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không xảy ra, hoặc ít nhất là chưa xảy ra.
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov viết trên Twitter: “Ankara rõ ràng không tính toán những hậu quả của những hành động thù địch đối với lợi ích và kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ”. Những người theo chủ nghĩa dân tộc không vui vẻ với phản ứng chỉ nhằm vào kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Một người bình luận về dòng tweet của ông Puskov: “Kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ ư? Chúng ta sẽ làm gì với eo biển Bosphorus?”
Máy bay chiến đấu Su-24 Nga bốc cháy do trúng tên lửa của không quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Phó phát ngôn hạ viện Nga – Nikolai Levichev đề xuất rằng nếu chỉ trừng phạt kinh tế, Nga sẽ cấm đường bay giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và đóng băng các dự án kinh doanh chung. Ông cũng kêu gọi sơ tán khách du lịch Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những điểm du lịch phổ biến nhất đối với người Nga, cùng với Ai Cập, mà người dân Nga hiện đã bị cấm lui tới. Một trong những nhà điều phối tour du lịch lớn nhất, Natali Tours, ngày 24/11 tuyên bố sẽ hoãn các gói du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Thật không may, bất cứ sự trừng phạt nào về kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ gây phương hại tới Nga. Quan hệ kinh tế Nga-Thổ là một thị trường tăng trưởng tiềm năng: Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đã cam kết nâng mức hợp tác thương mại từ khoảng 25 triệu USD dự kiến trong năm nay tới 100 tỷ USD vào năm 2020. Nga vốn là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái nhờ các hợp đồng năng lượng lớn, tuy nhiên các nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt Nga cần thị trường này.
Tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ như một đối tác thương mại đã tăng lên năm ngoái sau khi Nga áp đặt trừng phạt lĩnh vực thực phẩm đối với những nước đã áp đặt trừng phạt với Nga liên quan tới khủng hoảng Ukraine. Nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ giảm 38,5% tháng 1 tới tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) giảm 43,1%.
Nếu quan hệ thương mại Nga-Thổ đóng băng hay xấu đi, chẳng có nước nào được lợi. Đối với cả hai nước, thị trường chứng khoản đã sụt giảm sau vụ Su-24 Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
Theo chuyên gia về Nga Leonid Bershidsky, ông Putin có lẽ đã nhận ra là Nga đang tham gia trên quá nhiều mặt trận. Ông không thể gửi binh sĩ vào miền Nam Ukraine để khôi phục điện cho Crimea, bởi làm vậy sẽ gây ra sự phản ứng trên toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ hội thành lập liên minh chống khủng bố với các nước phương Tây ở Syria. Trong khi đó, ông cũng không thể đánh liều chạm trán quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể cắt đứt tuyến viện trợ chính của Nga tới Syria qua Địa Trung Hải. Nga không thể giải quyết các xung đột diễn ra cùng một lúc với những láng giềng quan trọng nhất của mình, đặc biệt khi sự phản đối trong nước với các biện pháp cứng rắn đang ngày càng gia tăng.
Theo Hạnh Nhân/Bloomberg