1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga cảnh báo việc Mỹ đưa vũ khí đến Đông Âu dẫn tới hậu quả nguy hiểm

Bộ Ngoại giao Nga ngày 15-6 đã chính thức lên tiếng phản đối Mỹ có kế hoạch triển khai xe tăng và các loại vũ khí hạng nặng khác tới các quốc gia NATO ở sát biên giới Nga…

Kế hoạch của Mỹ bố trí vũ khí tại các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Âu là đi ngược lại các điều khoản cơ bản của Hiệp ước cơ sở Nga-NATO, đây là tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra ngày 15-6, theo Itar-Tass.
 
 “Chúng tôi hy vọng lý trí sẽ chiến thắng và tình hình ở châu Âu sẽ không dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự có thể dẫn tới những hậu quả nguy hiểm”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
 
Xe bọc thép của quân đội Mỹ tham gia tập trận tại Latvia
Xe bọc thép của quân đội Mỹ tham gia tập trận tại Latvia
 
Tuyên bố nhấn mạnh Mỹ cùng với các đồng minh dường như thực sự muốn phá vỡ hoàn toàn điều khoản chính yếu của Hiệp ước cơ sở Nga-NATO ký năm 1997, theo đó NATO cam kết không bố trí thường xuyên các lực lượng lớn trên lãnh thổ các nước phía Đông. Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ việc bố trí các vũ khí theo kế hoạch của Mỹ chính là sự hiện diện quân sự thường xuyên.
 
Về việc Mỹ cho rằng kế hoạch bố trí vũ khí này nhằm tăng cường an ninh cho các đồng minh trước "mối đe dọa từ phía Nga", Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Mỹ đang hù dọa các đồng minh châu Âu về vấn đề này và lợi dụng thời điểm hiện tại để tiếp tục mở rộng sự hiện diện quân sự và qua đó mở rộng ảnh hưởng của mình tại châu Âu.
 
Trong những ngày qua, truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức cấp cao của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cho biết kế hoạch bố trí tại các nước NATO ở Đông Âu các kho vũ khí hạng nặng đủ trang bị cho lực lượng từ 3.000 đến 5.000 binh sĩ.
 
Nguồn tin của tờ New York Times cho biết, theo kế hoạch đề ra, bước đầu, số thiết bị đủ cho 150 binh sĩ sẽ được đặt ở 3 nước vùng Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia; trong khi số vũ khí đủ cho khoảng 750 binh sĩ sẽ được đặt ở Ba Lan, Rumani, Bulgari và có thể cả Hunggary. Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ đưa vũ khí hạng nặng tới gần biên giới Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
 
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak xác nhận Washinhton sẽ sớm ra quyết định về việc triển khai xe tăng, xe bọc thép và các loại vũ khí hạng nặng khác tại nước này. Ba quốc gia NATO ở trên cũng bày tỏ nguyện vọng muốn tiếp nhận vũ khí của Mỹ.

Sau Bộ Quốc phòng Mỹ, Nhà Trắng sẽ phải phê chuẩn kế hoạch này. Dự kiến các kế hoạch đó sẽ chính thức được thông qua tại cuộc họp bộ trưởng quốc phòng các nước NATO vào cuối tháng 6 tại Brussels (Bỉ). Nhà Trắng giải thích kế hoạch triển khai vũ khí mới chỉ ở giai đoạn đầu và phù hợp với các cam kết của Mỹ là bảo vệ đồng minh châu Âu.

Giới chuyên gia, các nhà phân tích đã đồng loạt lên tiếng, bày tỏ sự lo ngại về hành động của Mỹ. Ông Aleksey Fenenko, một chuyên gia thuộc Viện Các vấn đề An ninh quốc tế, tin rằng Nga sẽ không thể đưa ra được một câu trả lời ngoại giao thích hợp cho bước đi trên của Mỹ, vì thế biện pháp đáp trả chắc chắn sẽ mang bản chất quân sự. Các chuyên gia đều có chung quan điểm, việc Mỹ dự định đưa cả “một kho vũ khí” hạng nặng đến các nước Đông Âu sẽ đe dọa an ninh khu vực và sẽ đẩy Mátxcơva vào tình thế buộc phải phản ứng, đáp trả.

Phía điện Kremli nhiều lần cáo buộc NATO triển khai lực lượng tới gần Nga nhằm kiềm tỏa cựu thù thời Chiến tranh Lạnh. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ucraina bùng phát. Trong thời gian qua, Mỹ cùng với phương Tây bị cáo buộc là đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng để lấy cớ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực.

Trong khi đó, một quan chức quốc phòng Nga, tướng Yuri Yakubov được dẫn lời khẳng định Nga sẽ đáp trả bằng cách tăng cường lực lượng của mình tại khu vực biên giới nước này.
 
“Nếu vũ khí hạng nặng của Mỹ, bao gồm xe tăng, pháo và các loại vũ khí khác xuất hiện tại Đông Âu, đây sẽ là hành vi khiêu khích mạnh nhất của Lầu Năm Góc và NATO kể từ thời Chiến tranh Lạnh”, ông Yakubov khẳng định. “Như vậy, Nga sẽ không còn lựa chọn nào khác là tăng cường lực lượng của mình tại mặt trận chiến lược ở miền Tây nước này”, ông Yakubov nói thêm.
 
Tướng Yakubov cho biết, hành động đáp trả của Nga sẽ bao gồm việc đẩy nhanh quá trình đưa tên lửa Iskander đến khu vực Kaliningrad, giáp biên giới Ba Lan và Litva, cũng như tăng cường binh lực của Nga tại Belarus.
 
Ngày 16-6, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định Mátxcơva sẽ bổ sung hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới cho kho vũ khí hạt nhân của nước này trong năm nay.
 
Theo Ngọc Hà
Quân đội Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm