1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga bác "tối hậu thư", Mỹ cảnh báo nguy cơ Ukraine mất thêm lãnh thổ

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga tiếp tục phản bác kế hoạch hòa bình, trong khi Mỹ cảnh báo nguy cơ Ukraine mất thêm lãnh thổ trong 1-2 tháng tới.

Nga bác tối hậu thư, Mỹ cảnh báo nguy cơ Ukraine mất thêm lãnh thổ - 1

Binh lính Ukraine sử dụng vũ khí (Ảnh: Reuters).

Trong một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Thủ tướng và Ngoại trưởng Yemen hôm 27/2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố "kế hoạch hòa bình" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thực chất là một tối hậu thư dành cho Nga.

"Ông ấy (Tổng thống Zelensky) nói rằng (việc chuyển giao "kế hoạch hòa bình" cho Nga) sẽ không được coi là cuộc đàm phán, nhưng bất cứ ai có đầu óc minh mẫn đều biết rằng những gì ông ấy nghĩ trong đầu là tối hậu thư. Toàn bộ công thức 10 điểm của ông ấy đã và vẫn sẽ là một tối hậu thư rõ ràng. Họ đang cố gắng lôi kéo càng nhiều quốc gia càng tốt đến các sự kiện khác nhau để thảo luận về tờ giấy này", ông Lavrov nói.

Theo ông Lavrov, châu Âu khuyên Tổng thống Zelensky nên tập hợp càng nhiều quốc gia càng tốt để thảo luận về "công thức hòa bình" của Ukraine và chụp "những bức ảnh gia đình" để tạo ấn tượng về sự ủng hộ của họ.

"Và càng có nhiều người trong bức ảnh này thì lập luận mà họ nghĩ rằng Nga sẽ thách thức toàn bộ nhân loại tiến bộ càng thuyết phục hơn. Thật nực cười. Nỗi ám ảnh về những bức ảnh này từ lâu đã hiện diện trong nền chính trị phương Tây như một biện pháp ngăn cản các đối tác của chúng tôi ở các nước trên thế giới hợp tác với Nga", ông Lavrov nói thêm.

Theo ngoại trưởng Nga, cách tiếp cận cơ bản của phương Tây đối với việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine "hoàn toàn bế tắc".

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi Mỹ và các đồng minh từ chối hỗ trợ Ukraine và ngừng thúc đẩy "công thức hòa bình" của Tổng thống Zelensky.

Theo bà Zakharova, để thực sự góp phần giải quyết xung đột, cần phải đáp ứng các yêu cầu của Nga về việc đảm bảo lợi ích an ninh của nước này ở châu Âu. Bà Zakharova kêu gọi phương Tây từ bỏ những sáng kiến không thể chấp nhận được như "công thức hòa bình" do Ukraine đề xuất.

Điện Kremlin cho rằng hiện tại không có triển vọng giải quyết hòa bình và ưu tiên hàng đầu của Nga vẫn là đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bằng biện pháp quân sự. Tuy nhiên, Moscow cho rằng tình hình có thể thay đổi nếu các bên tính đến thực tế lãnh thổ mới và đáp ứng các yêu cầu của Nga.

Những điểm chính trong kế hoạch hòa bình của ông Zelensky gồm khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, Nga phải rút hết quân, đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và an toàn hạt nhân, trả tiền bồi thường, cũng như thiết lập một nghị định thư về hòa bình giữa Kiev và Moscow.

Công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi Nga trao trả lại 4 vùng lãnh thổ mới sáp nhập cũng như bán đảo Crimea. Tháng 10/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng của Ukraine gồm Zaporizhia, Kherson, Donetsk và Lugansk.

Mỹ cảnh báo nguy cơ Ukraine mất thêm lãnh thổ

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 27/2 cảnh báo Ukraine đang trên đà mất thêm lãnh thổ trong những tháng tới do thiếu sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ.

"Nếu họ (Ukraine) tiếp tục không nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ trong một hoặc hai tháng nữa, nhiều khả năng Nga sẽ giành được nhiều vùng lãnh thổ hơn và thành công hơn trước các tiền tuyến của Ukraine về mặt giành lãnh thổ", ông Kirby nói với các phóng viên.

Ông Kirby chỉ ra rằng tình huống như vậy có thể xảy ra ở miền Đông Ukraine, nhưng cũng có thể xảy ra ở khu vực phía nam nước này. Quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh tình hình thực tế rất nghiêm trọng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đầu tuần này cho biết nhu cầu cung cấp thêm hỗ trợ cho Ukraine là cấp thiết.

Nga đã nhiều lần cảnh báo các nước NATO rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp.

Moscow cáo buộc các nước NATO "đùa với lửa" bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine, nhấn mạnh rằng những hành động như vậy cản trở khả năng đàm phán.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Biden đã đề nghị quốc hội Mỹ thông qua gói ngân sách trị giá khoảng 106 tỷ USD, trong đó dành hơn 60 tỷ USD để viện trợ cho Kiev. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn gặp trở ngại do sự phản đối của các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại quốc hội.

Tổng thống Biden cảnh báo, nếu không có viện trợ kịp thời từ Mỹ, Ukraine có thể mất thêm những thành phố khác sau khi Avdiivka thất thủ gần đây.

Theo Tass, Sputnik