1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nepal: UML sẽ lãnh đạo chính phủ mới

(Dân trí) - Các chính đảng Nepal đã đồng ý thành lập tiến tới thành lập “chính phủ dân tộc”, một ngày sau khi Thủ tướng và là Chủ tịch Đảng Cộng sản Nepal - Maoist (CPN-M) từ chức.

Sau cuộc họp tại Kathmandu, các thành viên đảng Cộng Sản Macxit Leninit Thống nhất (UML) đã đồng ý lãnh đạo chính phủ mới. Các đảng được Tổng thống Ram Baran Yadav cho 5 ngày để thành lập chính phủ.

Tuy nhiên, tình hình Nepal có nguy cơ trở nên bất ổn vì phía CPN-M đã tẩy chay cuộc họp này, tuyên bố trừ phi tổng thống xin lỗi, nếu không họ sẽ không để quốc hội hoạt động.

Trong khi đó, hàng ngàn người biểu tình đang tuần hành ở thủ đô Nepal một ngày sau khi Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal từ chức sau vụ bất đồng với tổng thống.
 
Ít nhất 3.000 người biểu tình ủng hộ CPN-M đã tuần hành trên khắp Kathmandu ngày hôm qua, yêu cầu Tổng thống Ram Baran Yadav từ chức. CPN-M cũng đã gây hỗn loạn Quốc hội. 
 
CPN-M yêu cầu bãi chức Tổng tư lệnh quân đội Nepal, người đã từ chối không cho các cựu phiến quân được tham gia vào quân đội. Thủ tướng Prachanda đã từ chức và rút đảng này ra khỏi chính phủ hôm 4/5 sau khi tổng thống bãi bỏ quyết định của ông sa thải người đứng đầu quân đội.

CPN-M nắm hầu hết ghế trong quốc hội, tuy nhiên không chiếm đủ đa số để đơn thân lãnh đạo chính phủ. 
 
Thủ tướng Prachanda ra tuyên bố xem quyết định của tổng thống không hợp hiến và coi đó là một cuộc tấn công vào nền dân chủ non trẻ của Nepal.

Cuộc nội chiến giữa lực lượng phiến quân, do ông Prachanda lãnh đạo, với quân đội chính phủ Nepal, kéo dài từ 1996 đến  2006, đã làm hơn 13.000 người thiệt mạng và khiến đất nước này kiệt quệ.

Từ 2006 đến 2008, phiến quân đã ký kết hiệp định hòa bình, về đầu trong cuộc tổng tuyển cử, đứng ra lập chính phủ.

Nhật Mai
Theo AP, AFP