1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

'Ndrangheta - Mafia hùng mạnh nhất

‘Ndrangheta qua mặt băng mafia Cosa Nostra ở Sicily và nắm quyền kiểm soát khoảng 80% lượng cocain trên thị trường châu Âu.

Cảnh sát Ý ngày 17-6 đã thu giữ 4 tấn cocain (trị giá 1 tỉ euro), bắt giam 34 người ở Ý và 4 người ở Tây Ban Nha trong một vụ truy quét tội phạm ma túy quốc tế. Cảnh sát cho biết các nghi can trên thuộc đường dây ma túy xuyên Đại Tây Dương, được điều hành bởi băng đảng tội phạm ‘Ndrangheta - đặt căn cứ ở Calabria, miền Nam nước Ý.

Tội phạm toàn cầu hóa

Các công tố viên chống mafia Ý nhận định với vai trò một trong những nhà nhập khẩu cocain lớn nhất châu Âu, ‘Ndrangheta đã trở thành thế lực kinh tế hùng mạnh nhất ở khu vực miền Nam nước Ý. Thêm vào đó, công việc kinh doanh ma túy đã giúp ‘Ndrangheta qua mặt băng mafia Cosa Nostra ở Sicily, chiếm lấy “danh tiếng” tổ chức tội phạm có tổ chức hùng mạnh nhất ở Ý. Ước tính, ‘Ndrangheta nắm quyền kiểm soát khoảng 80% lượng cocain trên thị trường châu Âu và được cho là đầu tư vào các dự án xây dựng ở Ý, Bỉ, Mỹ và Đức.

Peppino Marciano (
 
Peppino Marciano (giữa), một “ông trùm” của ‘Ndrangheta, bị bắt. (Ảnh: IL SECOLO XIX) 

Tổ chức chặt chẽ

 
Mafia ở Calabria dựa cơ sở trên các đơn vị cơ bản là ‘Ndrina - được hình thành từ những người họ hàng ruột thịt, tương tự như “gia đình” của mafia Sicily.
 
Tất cả mọi ‘Ndrina hoạt động ở bất kỳ khu vực địa lý cụ thể nào - từ Calabria đến nước Úc - đều được tổ chức thành các Locale, đơn vị cao hơn có nhiệm vụ phối hợp và dàn xếp các ‘Ndrina dưới sự bảo hộ của mình.
 
Mọi ‘Ndrina, Locale hoạt động bên ngoài đều được kết nối với một đơn vị tương tự ở Calabria.
Trên thực tế, ‘Ndrangheta không nổi tiếng như Cosa Nostra nhưng giàu có và hùng mạnh hơn - quyền lợi phủ kín toàn cầu, từ Calabria - Ý đến Colombia và vươn xa đến tận Úc. Theo tổ chức tư vấn Ý Demoskopika, các hoạt động của ‘Ndrangheta trong năm 2013 sinh lợi 60 tỉ USD, nhiều hơn cả lợi tức của McDonald’s và Deutsche Bank gộp lại, chiếm 3% GDP nước Ý.

Tổ chức mafia này đã khai thác số người nhập cư gốc Calabria đến Đức, Mỹ, Úc, Colombia và Pháp sau Thế chiến thứ hai, lợi dụng mối quan hệ gia đình của họ để tạo ra những mối liên hệ mới và mở rộng tầm ảnh hưởng ra khắp thế giới.

Bắt đầu hoạt động vào thập niên 1960 và 1970, ‘Ndrangheta tập trung các phi vụ bắt cóc tống tiền. “Số tiền chuộc ‘Ndrangheta gom góp được từ hoạt động bắt cóc chính là nguồn vốn ban đầu và đến cuối thập niên 1980 đã được đầu tư vào cocain. Quyết sách trên là một bước ngoặt đối với ‘Ndrangheta, chứng tỏ tổ chức tội phạm này nhanh hơn Cosa Nostra trong việc nắm bắt vấn đề và lợi dụng sự đổi thay cốt yếu trên thị trường ma túy” - ông Ilaria Meli, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quan sát tội phạm có tổ chức thuộc Trường ĐHQG Milan, giải thích.

Chiến lược vừa nêu đã đem về cho ‘Ndrangheta hàng tỉ USD. Hơn nữa, vấn đề lúc này của ‘Ndrangheta là có nhiều tiền mặt hơn mức chúng có thể sử dụng - theo Giuseppe Catozzella, nhà báo chuyên viết mảng điều tra và là tác giả một số đầu sách về băng đảng tội phạm này. Tác giả Catozzella đã công bố nội dung đoạn ghi âm một cuộc nói chuyện giữa 2 thành viên mafia ‘Ndrangheta. Một tên chôn giấu tiền trong rừng báo cho tên còn lại biết rằng hàng triệu USD đã bị mục nát do bị ẩm ướt. Tên kia đáp lại gọn lỏn: “Thì vứt bỏ đi thôi”.

Theo kênh Al Jazeera, chính vì băng mafia Cosa Nostra ở Sicily phạm phải sai lầm về chiến lược nên đã tạo cơ hội cho ‘Ndrangheta phất lên. Bắt tay vào chính sách “chống nhà nước” từ cuối thập kỷ 1980, Cosa Nostra đã sát hại 2 thẩm phán nổi tiếng chống mafia là Giovanni Falcone và Paolo Borsellino vào năm 1992. Chính phủ Ý đã phản ứng bằng cách điều động quân đội đến Sicily và thông qua đạo luật mới cho phép biệt giam tội phạm dính líu đến mafia. “Vào những năm đó, Cosa Nostra đã dính đòn trí mạng và băng mafia này chỉ mới bắt đầu tái tổ chức trong vài năm qua, căn cứ vào bản báo cáo gần đây của DIA (đơn vị chống tội phạm có tổ chức của Ý)” - nhà nghiên cứu Meli cho biết. Trong khi nhà chức trách và báo chí Ý tập trung sự chú ý đến mafia ở Sicily, băng mafia ở Calabria đã thừa cơ hội đó mở rộng sang miền Bắc nước Ý giàu có.

Nhà báo Catozzella cho biết vào năm 1994, thủ lĩnh của 4 băng đảng mafia lớn ở Ý đã nhóm họp ở Lake Como để phân chia thị phần ở miền Bắc. Qua đó, ‘Ndrangheta giành được 70% thị trường - kết quả cho thấy sức mạnh và ảnh hưởng mà tổ chức này đạt được chỉ trong vòng 2 thập niên.

Không chỉ vấn đề của Ý

Vào thập niên 2000, ‘Ndrangheta đã biết tận dụng tình thế. Sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ, chính phủ Ý đã hướng các nguồn lực sang cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, tạo điều kiện cho tội phạm có tổ chức ở Calabria hoạt động mà không hề lo bị truy quét. Sau đó, cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra nhiều nơi ở miền Nam châu Âu đã tạo cơ hội cho băng mafia Calabria tạo ra những nguồn lợi phi pháp.

Cho đến năm 2010, thị trưởng Milan khi ấy là ông Letizia Moratti đã phủ nhận chuyện các nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động ở thành phố của ông, mặc dù hiện tượng xã hội này đã có mặt trong khu vực trong suốt khoảng 30 năm. Thực tế, theo nhà nghiên cứu Meli, ở miền Bắc nước Ý, tội phạm có tổ chức được miêu tả là một hiện tượng của miền Nam; còn ở miền Bắc châu Âu, người ta lại coi đó là vấn đề của người Ý.

Sau khi xảy ra vụ đấu súng ở Duisburg - Đức có liên quan đến ‘Ndrangheta năm 2007, nhà chức trách Đức và sau đó là châu Âu mới bắt đầu điều tra về sự hiện diện của băng đảng mafia Calabria bên ngoài nước Ý. Tuy nhiên, những khác biệt giữa các hệ thống pháp lý châu Âu trong việc đương đầu với các nhóm mafia là một trong những khó khăn trong cuộc đấu tranh chống các băng đảng như ‘Ndrangheta.

Từ năm 1994, Ý đã quyết định tội phạm hóa các mối quan hệ với các tổ chức mafia. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu khác lại không có đạo luật tương tự như ở Ý. Thực tế cho thấy ít có khả năng ‘Ndrangheta được công nhận là một vấn đề của châu Âu. Thế nhưng lúc này đây, các chuyên gia nhất trí cho rằng các nhà chức trách khắp châu Âu cần hợp tác với nhau chặt chẽ hơn để ngăn chặn sự mở rộng của ‘Ndrangheta. Theo họ, ‘Ndrangheta giờ đã ở tầm cỡ toàn cầu trong khi các công cụ để đối phó với tổ chức mafia này vẫn chỉ ở mức độ quốc gia.

(Kỳ tới: Vươn xa vòi bạch tuộc)
 
Theo Ngô Sinh
Người Lao động