1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO không đạt được thoả thuận tăng cường không kích tại Libya

(Dân trí) - Ngoại trưởng các nước NATO kết thúc hai ngày họp ở Berlin mà không đạt được đồng thuận để gia tăng không kích tại Libya. Trong khi đó, Nga tỏ ý phản đối liên minh này về chuyện sử dụng vũ lực quá đáng và cho rằng NATO đã vượt quá uỷ nhiệm của LHQ.

 
 
NATO không đạt được thoả thuận tăng cường không kích tại Libya - 1
Ngoại trưởng các nước NATO họp hai ngày ở Berlin

Cả Mỹ và Italia đều không tỏ thái độ cho thấy họ sẽ đáp ứng lời kêu gọi phái thêm máy bay tham gia các cuộc không kích, cho dù Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen nhấn mạnh “mối đe doạ với dân thường Libya sẽ không biến mất khi nhà lãnh Muammar Gaddafi vẫn tại vị”.

Tuy nhiên, các ngoại trưởng nhất trí khi đưa ra lời kêu gọi ông Gadhafi phải ra đi.

Trước cuộc họp lần này, lãnh đạo 3 nước Mỹ, Pháp và Anh đã cho đăng một bài xã luận chung trên một số tờ báo ở châu Âu, khẳng định rằng “tương lai một nước Libya vẫn còn ông Gadhafi nắm quyền là chuyện khó xảy ra”. Họ cho biết các cuộc không kích vẫn tiếp tục “cho đến khi ông Gadhafi phải ra đi”.

Tại cuộc họp báo hôm qua, Tổng thư ký NATO Rasmussen nói: “Bài xã luận của 3 nhà lãnh đạo phản ánh sự đoàn kết trong mục đích và quyết tâm của các đồng minh NATO.”

Nhưng chỉ có một nửa trong số 28 thành viên NATO tham gia các cuộc không kích, vì thế, Anh và Pháp kêu gọi các thành viên NATO khác phải ra sức hơn nữa.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet gợi ý LHQ nên đưa ra một nghị quyết mạnh hơn nữa để chấm dứt bạo lực tại Libya, dù ông có vẻ cũng không mấy tin tưởng LHQ sẽ làm như vậy.

Diễn đàn do ba nhà lãnh đạo Mỹ- Anh -Pháp cùng ký tên công bố trên báo chí quốc tế và bản tuyên bố chung sau cuộc họp NATO tại Berlin khẳng định “Gadhafi phải ra đi”. Để đạt mục tiêu này, Mỹ-Anh-Pháp kêu gọi NATO và các thành viên trong liên quân duy trì áp lực quân sự.

Theo giới phân tích, đây là lần đầu tiên NATO công khai mục tiêu lật đổ đại tá Gadhafi, một người bị xem là “mất tính chính đáng lãnh đạo quốc gia vì đã sát hại dân và chuẩn bị tiêu diệt cả một thành phố” nếu không có nghị quyết 1973 thông qua vào giờ chót ngày 17/3.

Cũng theo giải thích của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet, thì Liên quân chắc chắn đang vượt khỏi khuôn khổ nghị quyết 1973, vì nghị quyết của Hội đồng Bảo an không đề cập đến “tương lai của Gadhafi”.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, ba nhà lãnh đạo Anh-Pháp-Mỹ muốn gửi một thông điệp chung đến toàn dân Libya, dù là đối lập hay còn trung thành với chế độ phải “tự nhận lãnh trách nhiệm” vì Gadhafi không còn chỗ đứng lãnh đạo. Nhưng để thực hiện mục tiêu này, Liên quân cần một nghị quyết mới của LHQ.

Nhưng hôm qua, Nga cảnh báo liên minh về chuyện sử dụng vũ lực quá đáng và cho rằng NATO đã vượt quá sự ủy nhiệm của LHQ là chỉ bảo vệ thường dân.

Về sức ép quân sự, qua phân tích của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Pháp thì Anh và Pháp muốn oanh kích vào những “trung tâm đầu não quân sự, kho đạn, hậu cần” mà cho đến nay vẫn chưa tấn công.

Người ta chờ xem trong những ngày tới, lời tuyên bố trên đây chỉ là nhận định hay thật sự sẽ là diễn tiến mới tại chiến trường Libya, trong khi chờ đợi một nghị quyết mới mà không ai tin rằng sẽ có đèn xanh của Nga và Trung Quốc.

Hà Khoa
Theo AP, AFP