1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

NASA: viên đạn bắn sao chổi đã trúng đích

NASA vừa thông báo đã ghi nhận được cú va chạm của viên đạn từ tàu thăm dò Deep Impact bắn vào sao chổi Tempel 1 lúc 5h52 GMT (12h52 giờ VN), đúng như dự kiến.

Những người có mặt theo dõi sự kiện tại phòng kiểm soát của Phòng thí nghiệm Lực đẩy (JPL) tại Pasadena, gần thành phố Los Angeles (Mỹ) đã ôm chầm lấy nhau vì sung sướng.

 

Theo Cơ quan hàng không và không gian Mỹ (NASA), hình ảnh do tàu Deep Impact truyền về cho thấy một đám mây hình quạt trên sao chổi hình thành do cú va chạm ở tốc độ 37.000 km/g. Một kỹ thuật viên của JPL nhìn nhận rằng đám mây to hơn họ dự trù.

 

Đầu đạn, được gia cố bằng đồng để tăng thêm sức mạnh cho cú va chạm, dự kiến tạo ra lỗ hổng lớn bằng một ngôi nhà hoặc một sân vận động với độ sâu bằng chiều cao của tòa nhà từ 2 đến 14 tầng trên bề mặt sao chổi. Các nhà khoa học cho biết bụi, đá và các mảnh vỡ văng ra có thể nhìn thấy bằng mắt thường ở một số khu vực trên thế giới. Khi vụ va chạm xảy ra sao chổi Tempel 1 cách Trái Đất khoảng 133 triệu km.

 

Trước khi lao vào sao chổi, viên đạn đã gửi về hình ảnh chụp sao chổi Tempel 1 cho thấy nó là một thiên hà có hình dạng quả lê với bề mặt có vẻ màu trắng và bị loang lổ những miệng núi lửa. Theo các kỹ thuật viên của JPL, viên đạn đã đi đúng vào điểm họ dự trù sau ba lần điều chỉnh quĩ đạo của nó trong 90 phút cuối của hành trình.

 

Các nhà khoa học Mỹ đã bắn "viên đạn" hồi 6h07 GMT ngày 3/7, được gọi là "impactor" vào sao chổi Tempel 1 với hy vọng có thể tìm hiểu về tiến trình hình thành hệ Mặt Trời và các thiên hà. Từ lâu, trong giới khoa học đã có giả thuyết cho rằng sao chổi chính là vật thể đầu tiên mang nước tới cho Trái Đất nhờ va chạm với bề mặt Trái Đất.

 

Theo các nhà khoa học, thí nghiệm này làm chúng ta nhớ lại bộ phim "Deep Impact" hồi năm 1998, trong đó một tàu vũ trụ Mỹ đã tấn công một sao Chổi bằng vũ khí hạt nhân để ngăn chăn sự va chạm giữa sao Chổi với Trái Đất. Còn cuộc "tấn công" sao Chổi Tempel 1 lần này thực sự phục vụ những mục đích nghiên cứu khoa học.

 

Theo N. QUÂN

Tuổi trẻ/AFP, CNN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm