NASA tiết lộ ảnh miệng hố nhân tạo trên sao chổi
(Dân trí) - Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho hay phi thuyền Stardust đã gửi về các hình mới của miệng hố nhân tạo trên một sao chổi, được tạo ra trong vụ va phạm có chủ ý với một phi thuyền hồi năm 2005.
Sao chổi Tempel 1 trong một bức ảnh do tàu Stardust chụp hôm 14/2.
Phi thuyền Stardust đã thực hiện cuộc tiếp cận gần nhất với sao chổi Tempel 1 đúng ngày Lễ Tình nhân (14/2) ở khoảng cách xấp xỉ 179km. Ở vị trí đó, Stardust đã chụp 72 bức ảnh độ phân giải cao về sao chổi.
Phi thuyền cũng thu được 468KB dữ liệu về bụi trong sao chổi và mây vốn hình thành bầu khí quyển của Tempel 1. Stardust đang thực hiện sứ mệnh khám phá thứ 2 có tên gọi Stardust-Next, sau khi hoàn thành sứ mệnh đầu tiên nhằm thu thập các hạt của sao chổi và gửi về Trái đất năm 2006.
Sứ mệnh Stardust-Next đã hoàn thành mục tiêu, bao gồm việc quan sát các đặc điểm bề mặt sao chổi vốn đã thay đổi tại những khu vực được quan sát trước đó trong sứ mệnh tàu vũ trụ Deep Impact 2005; chụp ảnh địa hình mới; và quan sát miệng hố được tạo ra từ nhiệm vụ năm 2005 khi khi NASA cho đâm một tàu thăm dò vào Tempel 1 để nghiên cứu cấu tạo bên trong của sao chổi này.
Một số hình ảnh cung cấp manh mối cho kết quả của sự va chạm giữa tàu Deep Impact và Tempel 1.
Ngày 13/1/2005, tàu Deep Impact của NASA nã một “viên đạn” đường kính 1m, nặng 370kg vào sao chổi Tempel 1. Vụ va chạm tạo ra một hố sâu và rộng, làm cho băng đá, bụi, khí từ tâm sao chổi vọt lên và làm lộ ra những chất liệu ban sơ bên dưới, qua đó giúp các nhà khoa học nghiên cứu cấu tạo bên trong của sao chổi Tempel 1. |
Mặc dù cuộc gặp gỡ ở cự ly gần trong ngày Valentine giữa Tempel 1 và Stardust đã hoàn tất nhưng tàu thăm dò sẽ tiếp tục nghiên cứu sao chổi từ xa.
“Tàu thăm dò này đã di chuyển hơn 5,6 tỷ km kể từ khi được phóng lên và mặc dù cuộc gặp gỡ gần nhất cuối cùng vừa hoàn tất nhưng sứ mệnh nghiên cứu của nó chưa kết thúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục chụp ảnh sao chổi để các nhà khoa có thể thu được những thông tin hữu ích. Sau đó Stardust sẽ được yên nghỉ một cách xứng đáng”, Tim Larson, quản lý dự án Stardust-Next, cho hay.
NASA cho rằng các sao chổi có vai trò quan trọng vì các nhà thiên văn học đặt giả thuyết rằng chúng chứa chất liệu hình thành các hành tinh bên ngoài thái dương hệ của chúng ta cách đây hàng tỷ năm.
An Bình
Theo Xinhua