1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nạn nhân vụ sập nhà tại Bangladesh uống nước tiểu cầm cự

(Dân trí) - Trong lúc công tác cứu hộ tiếp tục diễn ra với những hy vọng ngày một mờ nhạt vào việc tìm được người còn sống, những câu chuyện từ những nạn nhân đã chiến đấu với tử thần để trở về từ địa ngục khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Số người chết trong vụ sập nhà có thể lên tới 1.300
 
Tính đến ngày hôm qua, có tổng cộng 384 người đã được xác định thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà 8 tầng tại Bangladesh. Tuy nhiên với việc có 900 người còn mất tích và được cho rằng cũng đã chết, tổng số người thiệt mạng có thể lên tới 1.300.
 
Không còn hy vọng tìm thấy người sống sót tại Rana Plaza
Không còn hy vọng tìm thấy người sống sót tại Rana Plaza

Thông tin được Masum Khan, sỹ quan thuộc văn phòng điều hành của cảnh sát, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập số lượng thương vong khẳng định với báo giới. Theo đó đến nay đã có 384 người thiệt mạng, 330 người trong số này đã được xác định danh tính, số còn lại vẫn đang chờ nhận dạng.

“Không có con số chính xác về số người mất tích, nhưng ước tính là 900 người. Con số này được thu thập từ các tổ chức tình nguyện”, ông Khan nói. Do không có hồ sơ ghi nhận những ai có mặt trong tòa nhà khi thảm họa xảy ra nên việc đưa ra con số thống kê chính xác là không thể thực hiện được.

Trong ngày hôm qua, tức là 5 ngày sau khi thảm họa diễn ra, thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã đến thăm hiện trường.

Tuy nhiên những đề xuất hỗ trợ giải cứu nạn nhân của Anh và Liên hợp quốc đã bị chính phủ Bangladesh từ chối. Ahmed Ali, người đứng đầu cơ quan cứu hỏa quốc gia cho biết chính phủ chỉ cho phép cơ quan ông tiếp nhận thiết bị cứu hộ từ nước ngoài mà không cho phép nhận nhân lực.

Dù vậy theo ông Ali việc này cũng chỉ gây lãng phí thời gian bởi “nếu chúng tôi có thiết bị mà không có nhân lực, chúng tôi sẽ cần phải được đào tạo để sử dụng những thiết bị đó”.

Trong khi đó tại Anh, tập đoàn bán lẻ Primark, đơn vị đã đặt hàng tại các xưởng may bên trong toà nhà bị sập lần đầu công bố kế hoạch hỗ trợ và bồi thương cho gia đình các nạn nhân. “Khoản hỗ trợ sẽ bao gồm cung cấp những viện trợ dài hạn cho trẻ em có bố mẹ thiệt mạng, hỗ trợ tài chính cho những người bị thương và chi trả cho gia đình những người đã mất”, Primark cho biết.

Merina, một nữ công nhân 21 tuổi nhưng đã có 7 năm làm việc cho nhà máy trước khi nó bị sập, đã bị vùi lấp trong bê tông suốt 3 ngày. Suốt thời gian đó, chị không có gì để ăn ngoại trừ một vài ngụm nước. Chị đã cố kêu cứu suốt từ lúc bị vùi lấp. Xung quanh những tiếng rên la của những người bị thương cứ nhỏ dần rồi im bặt.

Merina may mắn sống sót sau 3 ngày bị vùi lấp
Merina may mắn sống sót sau 3 ngày bị vùi lấp

Chị kể lại rằng mình chỉ sợ nhất sẽ bị kiệt sức và ngủ thiếp đi, bởi chị biết chắc rằng một khi đã ngủ mình không bao giờ có thể tỉnh lại. “Tôi không thể ngủ”, nữ công nhân 21 tuổi tự nhủ. Mặt chị chỉ cách tấm bê tông từng là trần của tòa nhà, nơi chị làm việc suốt 14 giờ/ngày, 6 ngày trong tuần với mức lương tương đương 16 USD/tuần.

Nằm bất động dưới lớp bê tông trong cái nóng oi ả, chị lo lắng cho số phận của hai chị em gái khác cùng làm tại đây cũng như số phận của chính mình giữa lúc mùi xác chết phân hủy bốc lên nồng nặc.

Là con gái trong một gia đình nghèo khó ở phía Đông Nam Bangladesh, nơi cũng có điện nhưng ngoài ra chẳng còn gì khác, ngay từ năm 15 tuổi chị đã tới Dhaka mưu sinh. Theo chân những người dì đang làm trong các xưởng may tại thủ đô, chị nhanh chóng được tuyển dụng.

Merina cũng chỉ giống như hàng triệu người Bangladesh khác. Với họ các xưởng may tại Dhaka thực sự là một giấc mơ đổi đời. Hàng năm, ít nhất 300.000 dân nông thôn, thậm chí có thể tới 500.000 người, di cư tới Dhaka để kiếm sống.

Sáng thứ Tư, khi một số công nhân lên tiếng về những vết nứt trên cột trụ của tòa nhà, họ đã được “nhắc nhở” rằng sắp hết tháng rồi đó, lương sắp đến rồi. Thông điệp là rõ ràng: Nếu ai không tiếp tục làm việc sẽ không nhận được lương. “Đừng có nói chuyện vớ vẩn”, một quản lý tại xưởng nói với một công nhân 26 tuổi tên Sharma khi người này lo lắng việc phải vào lại tòa nhà, Merina kể lại. “Không có vấn gì đâu”, viên quản lý trấn an.

Đến khoảng 8 giờ 40 phút, tức là 40 phút sau khi bắt đầu ngày làm việc, đèn điện đột nhiên phụt tắt. Máy phát điện được bật lên và tòa nhà rung nhẹ. Việc này cũng không có gì bất thường. Nhưng vài phút sau đó, toàn bộ sàn nhà rung lắc mạnh hơn, rộng hơn.

Các cột trụ bắt đầu đổ xuống, một cái đập thẳng vào lưng một công nhân có tên Baezid khiến anh nằm gục dưới sàn, bị đè chặt từ thắt lưng trở xuống, không thể di chuyển. Trong bóng tối, anh nghe tiếng các đồng nghiệp kêu khóc. Một đồng nghiệp bị mắc kẹt gần đó có điện thoại di động, và thế là 7-8 người gần đó lần lượt gọi về cho gia đình.

Baezid đã khóc trên điện thoại: “Cứu tôi với!”. Giống như một cậu bé, anh không ngừng nghĩ đến mẹ và chỉ muốn gặp mẹ.

Cứu hộ

Tại Bangladesh, khi ai đó cần cứu giúp hiếm khi họ nghĩ đến cảnh sát hay lực lượng cứu hỏa hoặc bất kỳ cơ quan chính quyền nào.

Saiful Islam Nasar, một tình nguyện viên đã giải cứu hàng chục người
Saiful Islam Nasar, một tình nguyện viên đã giải cứu hàng chục người

Baezid gọi về nhà và những người khác cũng vậy. Chính quyền ở đây quá yếu kém, bị tha hóa bởi tham nhũng, viên chức lương không đủ sống, thiếu năng lực đến mức mọi người dân điều biết rằng họ tốt hơn hết nên tìm đến người thân trong gia đình. Hoặc đơn giản là gọi cho bất kỳ ai khác có thể tới giúp.

Cho đến tận hôm qua, không còn ai có hy vọng sống sót và các thiết bị hạng nặng đã được đưa tới hiện trường. Rất nhiều nhân viên cứu hộ đang làm việc trong “núi” bê tông là các tình nguyện viên. Họ là công nhân may, người thân của các nạn nhân, hoặc như trường hợp của Saiful Islam Nasar, chỉ là thanh niên từ một thị trấn nhỏ cách đó khoảng 300 km.

Khi hay tin về vụ tai nạn, vốn là thành viên của một nhóm cứu hộ tình nguyện nghiệp dư, anh cùng 50 bạn bè đã lên tàu, đi 11 tiếng tới hiện trường. Len lỏi vào dưới những tấm bê tông với dụng cụ chỉ là một chiếc búa, một cái cưa sắt, với ánh sáng từ chiếc điện thoại di động, trong 6 ngày anh cho biết mình đã cứu được 6 người còn sống và đưa ra hàng chục thi thể.

Trong đêm đầu tiên, anh ngủ ngay trên đống bê tông. Đêm thứ hai anh cũng ngủ ngay tại hiện trường nhưng chẳng chợp mắt được lâu bởi hình ảnh của những xác chết cứ hiện về. Khi được tuyên dương là người hùng, chàng kỹ sư cơ khí chỉ khẽ nhìn lại đống đổ nát và khóc.

Không bao giờ trở lại xưởng may

Còn với Merina, chị đang ngồi bên chiếc máy thêu ở tầng 4 của tòa nhà thì thấy xung quanh như muốn nổ tung. Chị cố chạy ra cửa nhưng một mảng trần đã sập xuống chặn lối đi. Bò khắp sàn đề tìm nơi trốn, may mắn thay một mảng trần tầng trên đã nằm vắt ngang hai cột trụ, tạo thành một khoảng không nhỏ cho chị và khoảng 10 người khác có thể ẩn náu. Khi đó tất cả đều nghĩ mình sẽ chết.

Hiện trường ngổn ngang trong khi 900 người vẫn mất tích
Hiện trường ngổn ngang trong khi 900 người vẫn mất tích

Trong không gian chật hẹp, nóng nực, họ đã phải uống chính nước tiểu của mình để cầm cự. Một người sau đó đã lần mò được một bình nước dùng để là ủi quần áo và mọi người chuyền thay nhau hớp từng ngụm nhỏ đầy trân trọng.

Bên ngoài, chị gái Merina sau khi may mắn kịp thoát khỏi tòa nhà đã gọi điện cho bố mẹ tới hiện trường. Sáng thứ Năm, khi họ tới nơi, hàng trăm người thân nạn nhân khác đã có mặt tại đó. Thương con, mẹ Merina không ngừng cầu nguyện và hứa sẽ tạ ơn thánh thần bằng một món quà quý giá từ quê nhà nếu con gái được cứu sống.

“Nếu ngài cứu sống con gái tôi, tôi sẽ hiến tặng ngài một con dê”, mẹ Merina hứa.

Đến sáng thứ Sáu, cuối cùng Merina cũng nghe thấy âm thanh của lực lượng cứu hộ đang cắt tấm bê tông ở phía trên mình. Chị cùng cả nhóm la to “Cứu chúng tôi! Cứu chúng tôi với!”. Nhưng đến khi được giải cứu ra ngoài vào sáng thứ Bảy, Merina đã kiệt sức và hầu như mất phương hướng.

Sau 2 ngày được chăm sóc, chị đã tỉnh dậy và may mắn chỉ bị bầm dập nhẹ ở đầu và lưng. Anh chàng Baezid cũng được điều trị cở cùng bệnh viện đại học y Enam, và đã tỉnh táo.

Nằm nghiêng trên giường nắm tay cha, Merina khóc và nói: “Chúa đã cho con cuộc sống thứ hai. Khi bình phục con sẽ trở về nhà và không bao giờ làm việc tại xưởng may nữa”. Baezid cũng nói điều tương tự, rằng anh sẽ không bao giờ trở lại các công ty may mặc.

Nhưng với rất nhiều người sống sót khác, họ vẫn phải quay lại. Đơn giản bởi họ có quá ít lựa chọn.

Thanh Tùng
Theo AP