1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Năm năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản, khó khăn vẫn chồng chất

Người dân ba tỉnh Đông Bắc Nhật Bản gồm Fukushima, Miyaghi và Iwate vẫn còn nhớ thời khắc kinh hoàng khi trận sóng thần ập vào các thị trấn ven biển, tàn phá một khu vực rộng lớn, làm hơn 18.000 người chết và mất tích.

Trung tâm thị trấn Otsuchi bị san phẳng trong thảm họa sóng thần. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)
Trung tâm thị trấn Otsuchi bị san phẳng trong thảm họa sóng thần. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)

​5 năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra thảm họa, người dân nơi đây vẫn đang tiếp tục những nỗ lực tái thiết cộng đồng, hồi sinh cuộc sống tại những mảnh đất này.

Chúng tôi đến Otsuchi, một thị trấn ven biển của tỉnh Iwate vào dịp người dân nơi đây đang chuẩn bị tổ chức lễ tưởng niệm ​5 năm thảm họa động đất sóng thần. Trước thảm họa năm 2011, hai ngành kinh tế quan trọng của thị trấn là khai thác, kinh doanh hải sản và du lịch. Thị trấn nổi tiếng với các cảng cá lớn, biển xanh hiền hòa, khí hậu trong lành. Thế nhưng, trong một chớp mắt, tất cả đã bị san phẳng.

Ký ức đau thương

Ngày 11/3/2011, đợt sóng thần cao tới 22,2m tràn vào thị trấn, làm 1.285 người thiệt mạng và mất tích, chiếm gần 10% dân số.

Đây là thị trấn có số nạn nhân cao nhất nếu tính theo tỷ lệ dân cư. Khoảng 60% nhà cửa tại Otsuchi bị hư hại. Tòa thị chính của Otsuchi nằm sát bờ biển cũng bị cuốn trôi và thị trưởng thời đó cũng thiệt mạng trong thảm họa.

Hầu hết các tài sản của thị trấn đều bị phá hủy. Chính vì vậy, chính quyền địa phương Otsuchi mất nhiều thời gian hơn các địa phương khác trong công việc tái thiết sau thảm họa.

Trước mắt chúng tôi, nơi từng là trung tâm của Otsuchi với tòa thị chính, các cửa hàng, các điểm vui chơi, giải trí, khu dân cư, giờ đây là một bãi đất trống. Tòa thị chính đổ nát và đền thờ nhỏ là những chứng tích về thời khắc kinh hoàng mà vùng đất này đã trải qua.

Những hình ảnh đau thương vẫn chưa phai nhạt trong ký ức của những người dân nơi đây. Nhắc lại khoảnh khắc sóng thần ập đến, cụ Masayoshi Nakasato, 70 tuổi, không nén được cảm xúc. Gia đình cụ vốn sống tại trung tâm thị trấn Otsuchi. Thế rồi, trận sóng thần ập đến đã cướp mất đi chồng và cả ngôi nhà của cụ.

Dấu tích còn lại của tòa thị chính cũ của Otsuchi sau thảm họa. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)
Dấu tích còn lại của tòa thị chính cũ của Otsuchi sau thảm họa. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)

Cụ Shigeo Tsuda (75 tuổi), chủ hiệu ảnh Fuji nằm trên con đường ven biển thị trấn Taro của thành phố Miyako, đã nhắc đi nhắc lại với tôi cảm xúc của cụ về thời khắc kinh hoàng đó. Khuôn mặt cụ đầy thảng thốt khi nói: “Cháu có tưởng tượng được không, chỉ trong chớp mắt, không còn bất cứ thứ gì. Nhà cửa, đồ đạc, tất cả bị cuốn trôi. Khi chứng kiến cảnh đó, ông không thể tin vào mắt mình."

Chủ tịch Hợp tác xã chế biến hải sản Domannaka Otsuchi, ông Masazaku Haga, đã không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến nhà xưởng, cửa hàng đã thành số không chỉ trong nháy mắt. Trong giờ phút đó ông cảm thấy mình như gục ngã khi thấy toàn bộ cơ nghiệp đã trở thành một đống đổ nát, tan hoang.

Thế nhưng, không thể để cho những cảm xúc đau thương quật ngã, người dân tại Otsuchi, Miyako cũng như nhiều địa phương khác ở vùng Đông Bắc Nhật Bản bị sóng thần tàn phá đã đứng lên.

Cuộc sống tạm thời

Trận sóng thần đã khiến cho nhiều người dân nơi đây không muốn sống gần biển. Các dự án xây dựng các khu dân cư vào sâu đất liền, cách xa biển, hoặc nâng nền các công trình xây dựng đang được xúc tiến. Trong khi chờ đợi các dự án hoàn thành, hàng loạt các khu nhà tạm được dựng lên dành cho những người mất sạch nhà cửa trong thảm họa.

Theo thống kê của địa phương, toàn thị trấn Otsuchi có 48 khu nhà tạm, với khoảng 3.000 người sinh sống, tức là khoảng 1/4 dân số thị trấn. Khu nhà tạm Kozuchi Daihachi có 120 căn hộ với 101 căn có người sống và tổng số dân cư của khu vực này là 193 người.

Những căn nhà tạm chật hẹp vốn được xác định là chỉ sử dụng trong thời gian chính phủ đang xây dựng các khu định cư mới. Theo kế hoạch, đến năm 2018, Otsuchi sẽ giảm số khu nhà tạm xuống còn 12 điểm.

Tuy nhiên, ​5 năm sau động đất, nhiều vấn đề mới đã nảy sinh khiến cho những kế hoạch ban đầu có nhiều thay đổi. Trước hết, đó là ý kiến của người dân về các kế hoạch xây dựng các khu định cư trên nền các khu vực bị sóng thần tàn phá năm 2011. Trong khi có những cư dân bày tỏ mong muốn được quay trở về nơi mình từng sống thì cũng có tỷ lệ tương tự từ chối về nơi khiến họ nhớ lại khoảnh khắc đau thương, mất mát.

Tại các khu nhà tạm, sau 5 năm sinh sống, những người cao tuổi, chiếm một tỷ lệ đáng kể, đã hình thành được quan hệ láng giềng thân thuộc. Vì vậy họ không muốn chuyển đến những khu định cư mới. Việc giữ hay không giữ khu nhà tạm như Kozuchi Daihachi và duy trì đến thời điểm nào đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.


Khu nhà tạm Kozuchi Daihachi. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)

Khu nhà tạm Kozuchi Daihachi. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)

Theo chính quyền Otsuchi, nhanh nhất là tháng 3/2021, họ mới có thể đóng cửa toàn bộ các khu nhà tạm tại thị trấn. Chính quyền đang xúc tiến kế hoạch tái định cư dân lên những khu vực cao hơn, song hiện nay việc tìm ra đủ diện tích đất phù hợp để xây dựng các khu định cư là một vấn đề khó.

Tại Green Pier Sanriku Miyako, khu nhà tạm lớn nhất thị trấn ven biển Taro, thành phố Miyako, chính quyền đã xây dựng một khu phố mua sắm dành cho cư dân ở đây với tổng cộng 22 cửa hàng.

5 năm sau thảm họa, số cư dân ở khu nhà tạm này đã giảm đáng kể, khiến cho doanh số của các cửa hàng tại khu vực này giảm mạnh. Nhiều chủ cửa hàng ở đây vốn đã có kế hoạch họat động trở lại tại các khu định cư mới, song khi đề cập đến việc rời khu nhà tạm, đa số đều tỏ ra ngần ngại.

Ông Washichi Tanaka, chủ cửa hàng bánh kẹo nói: “Chúng tôi cảm thấy có lỗi nếu ra đi khi vẫn còn những người dân sống ở đây.”

Cho đến nay còn 18 cửa hàng vẫn hoạt động kinh doanh tại Green Pier Sanriku Miyako cho dù khu phố buôn bán này đang ngày càng trở nên vắng vẻ.

Cụ Shigeo Tsuda, chủ hiệu ảnh Fuji tại Taro thừa nhận cụ chưa biết giải quyết thế nào với bài toán khách hàng vì với dân số ngày càng giảm như hiện nay, doanh thu của cửa hàng đang bị thu hẹp.

Là cửa hiệu ảnh duy nhất trên cả một con đường tuyệt đẹp chạy dọc theo bờ biển, cụ thấy mình phải có trách nhiệm duy trì cửa hàng để phục vụ người dân quê hương song cụ không biết có thể duy trì được đến khi nào.

Quang cảnh vắng vẻ của trung tâm mua sắm tại khu nhà tạm Green Pier Sanriku Miyako. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)
Quang cảnh vắng vẻ của trung tâm mua sắm tại khu nhà tạm Green Pier Sanriku Miyako. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)

Khi nói đến những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, ông Katsutoshi Urata, chủ doanh nghiệp chế biến hải sản Uruta Shoten tại Otsuchi, cho biết vấn đề nan giải nhất là lực lượng lao động. Trước thảm họa, doanh nghiệp của ông có 20 nhân công song bây giờ chỉ có 10 người và hầu hết đều cao tuổi.

Trong xu thế dân số lão hóa của cả nước, dân số tại các vùng thảm họa thậm chí còn giảm mạnh hơn, đặc biệt hầu hết thanh niên địa phương sau khi tốt nghiệp đại học đều không trở về quê hương. Tình trạng thiếu lao động đang là bài toán nan giải nhất.

5 năm sau thảm họa, những hậu quả mà ​động đất, sóng thần gây ra vẫn còn đó. Khó khăn vẫn còn bộn bề trước mắt./.

Theo NGUYỄN TUYẾN-GIA QUÂN/TOKYO (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/nam-nam-sau-tham-hoa-kep-tai-nhat-ban-kho-khan-van-chong-chat/374686.vnp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm