Na Uy phát triển ngành thủy sản bền vững, giá trị cao bằng cách nào?
(Dân trí) - Đứng trên tàu giám sát một trang trại nuôi cá hồi trên biển ở Alta, phía bắc Na Uy, cô Åse Østvold đã giải đáp nhiều câu hỏi của các nhà báo Việt Nam về quy trình nuôi cá hồi tại quốc gia Bắc Âu.
"Các camera được trang bị từ vị trí sát mặt nước cho tới dưới đáy của lồng để theo dõi quá trình ăn của cá. Có 3 lý do để thấy rằng việc theo dõi này rất quan trọng: Tránh gây lãng phí vì thức ăn của cá rất đắt, đảm bảo cá phát triển khỏe mạnh bình thường, và tránh gây ô nhiễm môi trường từ thức ăn dư thừa của cá", cô Åse Østvold, trưởng nhóm hoạt động tại Nhà cá hồi của công ty Salmar ở thành phố Alta, miền bắc Na Uy, cho biết.
Khu nuôi trồng của Salmar tại Alta là một trong hàng trăm trang trại nuôi cá hồi được cấp phép trên khắp Na Uy, quốc gia trải dài 1.770 km từ bắc tới nam, với đường bờ biển dài thứ hai trên thế giới (chỉ sau Canada) cùng nhiều vịnh hẹp. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi thủy hải sản là một phần quan trọng nền kinh tế, sự phát triển xã hội cũng như văn hóa của nước này.
Na Uy hiện là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai thế giới. Năm 2022, quốc gia Bắc Âu đã xuất khẩu 2,9 triệu tấn hải sản tới 149 thị trường trên toàn cầu, giá trị khoảng 15 tỷ USD.
Na Uy có nhiều sản phẩm thủy hải sản chất lượng như cá tuyết, cua hoàng đế, tôm hùm…, nhưng thương hiệu nổi tiếng mà nước này tập trung phát triển là cá hồi Đại Tây Dương, chiếm đến 70% giá trị xuất khẩu hàng thủy hải sản.
Cá hồi phát triển tốt trong các vùng nước lạnh và sạch. Kết hợp điều kiện tự nhiên hoàn hảo đó với một quy trình nuôi trồng tiêu chuẩn cao và nghiêm ngặt, Na Uy đã trở thành quốc gia đi đầu thế giới trong ngành nuôi cá hồi trên biển.
Nuôi trồng bền vững, quan tâm tới môi trường
Tại Na Uy, tính bền vững là thuật ngữ chung điều hướng mọi hoạt động nhằm đảm bảo ngành nuôi cá hồi một cách có trách nhiệm. Thuật ngữ này thúc đẩy Na Uy không chỉ quan tâm tới hiệu quả kinh tế, việc làm và cuộc sống cho các cộng đồng ven biển, các thế hệ tương lai, mà còn về phúc lợi của cá, lượng khí thải carbon, môi trường biển.
Nhà khoa học Maria Sparboe, người đứng đầu bộ phận môi trường của Salmar tại thành phố Alta, cho biết các lồng nuôi cá hồi của công ty được đặt trên vùng biển Bắc Đại Tây Dương với khí hậu lạnh quanh năm, nơi đảm bảo một môi trường sạch và lành mạnh cho cá sinh trưởng. Công ty áp dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất, với các lồng nuôi không ngừng được cải tiến để cá có môi trường phát triển tốt nhất.
Các lồng lưới thường có tỷ lệ 97,5% nước và 2,5% cá, giúp cá hồi có đủ không gian để bơi lội, sinh sống. Cá được tiêm phòng trong lồng ươm trước khi được đưa ra nuôi trong môi trường biển. Những chú cá được theo dõi sức khỏe, đảm bảo không mang mầm bệnh.
Chúng được cung cấp thức ăn hoàn toàn không biến đổi gen, không chứa kháng sinh, không hóa chất lẫn hormone tăng trưởng. Thức ăn chứa các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa được làm từ 75% nguyên liệu thực vật và 25% nguyên liệu từ biển như cá, tôm xay nhuyễn.
Nhờ hiệu quả của vaccine, việc sử dụng kháng sinh gần như đã bị loại bỏ trong nuôi cá hồi ở Na Uy. Cá đã được chế biến cũng trải qua công đoạn kiểm dịch nghiêm ngặt để đảm bảo không có dư lượng kháng sinh trong các sản phẩm tiêu dùng. Đây được xem là một "thắng lợi" lớn đối với sức khỏe của cá và vấn đề kháng thuốc kháng sinh trên thế giới.
Na Uy cũng rất chú trọng tới giảm thiểu tác động tới môi trường khi nuôi trồng cá hồi. Theo quy định, tất cả các trang trại phải được nghỉ ngơi (không canh tác) vài tháng sau mỗi chu kỳ nuôi, cho phép đáy biển có thời gian phục hồi. Đáy biển bên dưới tất cả các trang trại nuôi cá ở Na Uy cũng phải chịu sự kiểm tra của các bên thứ ba độc lập để bảo vệ môi trường tự nhiên.
Quản lý chặt chẽ, chú trọng chất lượng
Nhà khoa học Maria Sparboe cho biết chính phủ Na Uy quản lý thống nhất, chặt chẽ ngành nuôi trồng thủy sản. Hằng năm, Tổng cục Thủy sản phê duyệt cấp phép cho các công ty xây dựng và phát triển các trang trại cá hồi trên khắp Na Uy để đảm bảo sự phát triển hài hòa chứ không phải "mạnh ai nấy làm".
Chất lượng luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Để khẳng định và nâng cao giá trị của các sản phẩm thủy sản, Na Uy chú trọng vào chất lượng hơn là số lượng.
Tất cả các khâu, từ nhân giống cá con, nuôi trong lồng trên biển đều được giám sát và kiểm tra chặt chẽ, liên tục, để đảm bảo khâu cuối cùng là thu hoạch những con cá hồi chất lượng tốt. An toàn thực phẩm được thực hiện một cách khắt khe trong quá trình xuất khẩu cá ra thị trường thế giới.
"Na Uy không chỉ là một quốc gia thủy sản có trách nhiệm. Các sản phẩm của chúng tôi trải qua các biện pháp kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất. Trong mọi công đoạn từ trang trại (biển) đến bàn ăn, các sản phẩm được giám sát cẩn thận về độ tươi, hương vị và giá trị dinh dưỡng", Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken chia sẻ với Dân trí.
Để đảm bảo chất lượng, quốc gia Bắc Âu đã phát triển nhãn hiệu "Seafood from Norway" (Hải sản từ Na Uy) để quảng bá thủy hải sản Na Uy trên thị trường quốc tế. Theo ông Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Hải sản Na Uy, để được mang nhãn hiệu này, các sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng của cơ quan quản lý Na Uy.
Nói cách khác, nhãn hiệu này giống lá tem đảm bảo về các sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc từ Na Uy, giúp khách hàng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng.
Không ngừng đổi mới công nghệ
Na Uy đã phát triển ngành nuôi cá hồi trong hơn 50 năm, đi từ lồng lưới cơ bản nhất cho đến các lồng hiện đại. Việc làm chủ công nghệ cho phép Na Uy nhân giống có chọn lọc những đàn tốt nhất để nuôi.
Các giai đoạn từ nuôi cá bố mẹ, cá con và trưởng thành, đến nhà máy chế biến đều được tự động hóa và vi tính hóa. Tuy nhiên, điều đó chưa dừng lại và vẫn là một hành trình liên tục nhằm giải quyết các thách thức trong ngành nuôi trồng và tìm ra các giải pháp mới, hiệu quả hơn.
Hiện nay, nghành nuôi trồng thủy sản của Na Uy được đánh giá là hiện đại hàng đầu thế giới và có tính cạnh tranh rất cao. Các công ty lớn luôn dành một phần trong lợi nhuận để đầu tư nghiên cứu phát triển các công nghệ và phương pháp sản xuất mới giúp tăng sản lượng, giảm tác động tới môi trường và tăng giá trị của cá hồi.
Đơn cử như tại Salmar, nhà khoa học Maria cho hay công ty này đã và đang thử nghiệm một công nghệ lồng nuôi cá hồi mới trong vài năm qua. Công ty cũng áp dụng triệt để công nghệ vào từng khâu của quá trình nuôi cá, như lắp đặt các hệ thống camera theo dõi cá theo thời gian thực, tự động hóa quá trình cho ăn, phát triển công nghệ phát hiện nhanh chóng những con cá có biểu hiện bệnh để xử lý.
Với sự phát triển của các lồng lớn và neo đậu chắc chắn, các trang trại có thể được chuyển ra vùng nước sâu hơn với dòng chảy mạnh hơn. Điều này giúp cá hồi có điều kiện phát triển tốt hơn và giảm chi phí sản xuất.
Công nghệ cũng được sử dụng để xác định chất lượng của cá hồi. Với người tiêu dùng, công nghệ cho phép khách hàng truy xuất nguồn gốc để theo dõi các sản phẩm thủy hải sản từ điểm đánh bắt đến điểm tiêu thụ, để họ có thể tin tưởng vào chất lượng, nguồn gốc và tính xác thực của hải sản mà họ mua.
Trao đổi với Dân trí, Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Đinh Nho Hưng cho rằng, chuỗi giá trị của ngành thủy hải sản gồm 4 hoạt động chính gắn kết chặt chẽ với nhau: Đánh bắt tự nhiên, nuôi biển, chế biến và bán hàng.
Ông Hưng đánh giá, có 5 yếu tố, cũng là thế mạnh, đã làm nên thành công của Na Uy trong lĩnh vực này.
Đầu tiên là điều kiện tự nhiên khách quan thuận lợi, với vùng biển rộng và giàu tài nguyên.
Yếu tố thứ hai là tinh thần lao động, sáng tạo, không quản khó khăn.
Thứ ba là chính sách tạo thuận lợi đi cùng với quy hoạch, quy định, quy trình quản lý vô cùng chặt chẽ ở mọi khâu, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể cũng như sự bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.
Thứ tư là sự quan tâm, đầu tư liên tục cho nghiên cứu khoa học, thu thập dữ liệu, ứng dụng và hoàn thiện công nghệ.
Cuối cùng là hệ thống đối tác rộng khắp và gắn kết chặt chẽ trong cả nước và quốc tế, ở mọi cấp độ chủ thể.
"Nhưng nếu chỉ nói như vậy thì có lẽ chưa thấy được hết nỗ lực vươn lên. Ngành thủy hải sản của Na Uy cũng có thời điểm đứng trước những bài toán khó khăn. Việc tìm lời giải cũng chính là cơ hội để suy nghĩ, sáng tạo, đổi mới và phát triển. Ngành cá hồi của Na Uy đã có thay đổi bước ngoặt trong một hoàn cảnh như vậy, khi sản lượng đánh bắt tự nhiên suy giảm đã thúc đẩy các nỗ lực tìm kiếm giải pháp nuôi cá hồi trên biển ở quy mô công nghiệp vào đầu những năm 1970. Những người đi tiên phong lúc đó đã thành công, mở ra một hướng đi mới cho cả ngành công nghiệp", Đại sứ Hưng nhấn mạnh.
Tiềm năng hợp tác thủy sản Na Uy - Việt Nam
Đây cũng là câu hỏi mà nhiều nhà báo Việt Nam đặt ra đối với các quan chức Việt Nam và Na Uy trong chuyến công tác tới miền bắc nước này hồi cuối tháng 7.
Đại sứ Đinh Nho Hưng đánh giá, Việt Nam và Na Uy đều là các quốc gia ven biển và nằm trong số các nước xuất khẩu thủy, hải sản lớn trên thế giới; Na Uy ở vị trí thứ 2, Việt Nam thứ 3. Hai nước chia sẻ nhiều điểm chung trong lĩnh vực này, đồng thời cũng có những đặc thù riêng.
Việt Nam và Na Uy đều là quốc gia ven biển, lịch sử phát triển quốc gia - dân tộc hàng đời nay luôn gắn với biển, nên hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thủy, hải sản đã bắt đầu từ rất sớm.
Ngay từ những năm 1976-1977, Na Uy đã hỗ trợ đào tạo cán bộ và trang bị tàu nghiên cứu cho Việt Nam. Đến nay, hợp tác trong ngành thủy hải sản tiếp tục là một trong những lĩnh vực trụ cột trong quan hệ giữa hai nước, dưới nhiều hình thức như hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn xây dựng chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, thương mại, đầu tư...
Gần đây, năm 2021, các cơ quan thuộc Chính phủ hai nước đã ký "Ý định thư về tăng cường và phát triển hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển".
"Đáng nói nhất, mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực này mang tính hỗ trợ, bổ trợ cho nhau, chứ không phải cạnh tranh. Hai nước chia sẻ mạnh mẽ mối quan tâm chung trong việc thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, cũng như cùng nhau hợp tác, tham gia vào các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường sống. Đây sẽ là những xung lực rất quan trọng để thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác thủy, hải sản theo hướng bền vững giữa hai nước hiện nay và sắp tới, nhất là trong các hoạt động xây dựng năng lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đầu tư, thương mại, xây dựng chuỗi giá trị…", Đại sứ Hưng nói.
Còn theo Đại sứ Solbakken, Việt Nam có ngành nuôi trồng thủy sản đang phát triển. Trên con đường phát triển này, Na Uy sẵn sàng chia sẻ những bài học (cả thành công và thất bại), kiến thức chuyên môn và công nghệ để giúp ngành nuôi trồng thủy sản của hai nước thành công một cách bền vững, góp phần vào sự phát triển hơn nữa của nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trong khu vực.
Việc hợp tác có thể diễn ra trong toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành, từ hoạch định chính sách đến thực hiện. "Nó có thể bao gồm việc chia sẻ các phương pháp, công nghệ và kết quả nghiên cứu tốt nhất để thúc đẩy các cách thức tiếp cận có trách nhiệm và thân thiện với môi trường trong sản xuất thủy sản", bà Solbakken cho hay.
Đại sứ Solbakken nói thêm, hợp tác trong chế biến thủy sản có thể tạo cơ hội cho các công ty Việt Nam tăng cường cung cấp sản phẩm và thâm nhập vào các thị trường có giá trị cao hơn.
Quan hệ đối tác với các nhà chế biến thủy sản Na Uy có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về kỹ thuật chế biến, kiểm soát chất lượng và phát triển sản phẩm, từ đó mở rộng khả năng xuất khẩu.
Na Uy là quốc gia tiên phong trong việc duy trì tính bền vững qua nhiều thập niên. Cũng chính điều này đã truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác xây dựng luật bảo vệ trữ lượng cá, cũng như chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trong quản lý nghề cá tới các quốc gia đánh bắt khác để hướng tới mục tiêu xây dựng và duy trì nguồn lợi thủy hải sản bền vững toàn cầu.
Dân số thế giới ngày càng tăng gây áp lực lớn lên hệ thống sản xuất lương thực hiện nay. Theo dự đoán của Liên hợp quốc, thế giới sẽ cần sản xuất thêm 70% lương thực để đáp ứng nhu cầu của các nước vào năm 2050.
Để đảm bảo một tương lai an ninh lương thực cho tất cả mọi người, ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản được xem là chìa khóa. Với tư cách là một quốc gia thủy sản lớn, Na Uy đang tích cực thúc đẩy và tiên phong thực hành bền vững trong sản xuất thủy sản.
Công nghệ nuôi trồng thủy sản của Na Uy đang được xuất khẩu ra khắp thế giới, góp phần đổi mới và tiềm năng nuôi trồng thủy sản bền vững hơn ở các quốc gia đại dương khác.
Việc Thủ tướng Na Uy đứng đầu Hội đồng cấp cao vì một nền kinh tế đại dương bền vững là minh chứng cho nỗ lực của quốc gia Bắc Âu trong việc thúc đẩy hoạt động khai thác đại dương có trách nhiệm.