1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Myanmar trong tay “nữ hoàng không vương miện”

“Người mang trên đầu chiếc vương miện mấy khi có được giấc an lành”.

Bà Suu Kyi. (Nguồn: AP)
Bà Suu Kyi. (Nguồn: AP)

Sau hơn một nửa thế kỷ, cuối cùng con tàu Myanmar đã có được một chính quyền dân sự do Tổng thống là thành viên đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm lái. Nhưng, con đường phát triển của Myanmar còn khá gian nan và nhà lãnh đạo thực sự của nước này, bà Aung Sang Suu Kyi – lãnh đạo NLD phải đối mặt với vô vàn thách thức.

Giáp pháp hạn chế

Mặc dù bà Suu Kyi, người nhận được nhiều tình yêu mến từ người dân Myanmar khi họ gọi bà với cái tên trìu mến “mẹ Suu”, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Myanmar hồi cuối năm ngoái nhưng bà không thể lãnh đạo đất nước trong vai trò Tổng thống. Lý do là bởi bà có con trai mang quốc tịch Anh, điều Hiến pháp Myanmar không cho phép đối với một Tổng thống.

Do vậy, ngay từ đầu các giải pháp để có thể trở thành Tổng thống của bà Suu kyi đã vô cùng hạn chế. Lựa chọn sửa đổi Hiến pháp là không khả thi bởi vì bà cần phải có được sự ủng hộ của 75% nghị sĩ ở cả hai viện, cũng như sự ủng hộ của chính quyền quân đội.

Thậm chí, một số người gợi ý rằng, bà Suu Kyi nên cắt đứt quan hệ với con trai nhưng điều đó thực sự là tàn nhẫn với người phụ nữ từng phải sống trong nhà tù ở Myanmar thay vì sống lưu vong cùng gia đình ở Anh. Cũng đã có nhiều nỗ lực để con trai bà mang quốc tịch Myanmar nhưng điều này là rất khó bởi cả hai đứa con bà đều lớn lên ở nước ngoài.

Cho tới tuần trước, bà Suu Kyi vẫn đặt hy vọng vào một khả năng thứ tư là đàm phán, thỏa hiệp với các tướng lĩnh quân đội để họ từ bỏ hoặc đình chỉ thi hành điều khoản của Hiến pháp khiến bà không thể trở thành Tổng thống. Đổi lại phía Đảng của bà sẽ giảm tư thế đối đầu với quân đội. Tuy nhiên, khả năng này cũng không trở thành hiện thực.

Nước cờ khôn ngoan

Không còn giải pháp cho bản thân, bà Suu Kyi và đảng NLD đề cử ông Htin Kyaw, người mà bà Suu Kyi biết từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông từng là nhà văn và là người thân cận của bà Suu Kyi, được bà tin tưởng trong nhiều thập kỷ.

Gia đình ông và gia đình vợ đều khá nổi bật trong lịch sử chính trường Myanmar, mặc dù vậy, bản thân ông chưa bao giờ có bất cứ tham vọng chính trị nào. Vì tất cả những những lý do đó, ông Htin Kyaw là lựa chọn hoàn hảo cho chức Tổng thống trong mắt bà Suu Kyi.

“Mẹ Suu” từng công bố rõ ràng rằng, dù không thể trở thành Tổng thống nhưng bà sẽ không từ bỏ quyền lực và sẽ “đứng trên cả Tổng thống”. “Tổng thống được bổ nhiệm sẽ không có thẩm quyền”, bà từng trả lời một kênh truyền hình vào tháng 10/2015.

Bà cũng bác bỏ nhận định cho rằng, các trung tâm quyền lực kép sẽ ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của chính phủ. “Tại sao điều đó lại ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của chính phủ? Tổng thống sẽ được thông báo chính xác những gì ông ấy có thể làm”, bà Suu Kyi trả lời truyền hình.

Ngoài nắm “dây cương” quyền lực, bà Suu Kyi có lẽ sẽ tham gia Nội các với vai trò là Thủ tướng hoặc Ngoại trưởng.

Chẳng thể ngon giấc

Mặc dù mọi thứ đang khá suôn sẻ nhưng con đường trước mắt của bà Suu Kyi vẫn đầy thách thức như bà đã từng trải qua trong quá khứ. Phía quân đội, từng giam giữ bà Suu Kyi, dường như vẫn muốn nắm quyền kiểm soát Myanmar và chuyển giao quyền lực một cách tương đối miễn cưỡng, chậm chạp.

Chính phủ mới cũng sẽ phải quyết tâm cao độ để kéo Myanmar ra khỏi hàng thập niên lạc hậu về kinh tế, đồng thời phải giải quyết những khác biệt về tôn giáo, sắc tộc để hướng tới hòa giải dân tộc.

Hiện nay, Myanmar là một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Á, đứng thứ 149/186 các quốc gia trong Báo cáo Phát triển con người của Liên hợp quốc năm 2013. Rừng ở Myanmar đã bị khai thác với tốc độ chóng mặt, công nghiệp trì trệ và cơ sở hạ tầng yếu kém.

Về cá nhân bà Suu Kyi, bà không phải là nhà lãnh đạo duy nhất ở châu Á phải đối mặt với một cơ chế lãnh đạo mà quyền lực bị phân chia. Bà sẽ phải học hỏi từ kinh nghiệm của các nước khác nếu như muốn thành công trên con đường phía trước.

Một số tấm gương điển hình như mối quan hệ của Chủ tịch đảng Quốc đại cầm quyền Ấn Độ Sonia Gandhi và cựu Thủ tướng Manmohan Singh. Mối quan hệ này thậm chí còn là đề tài của cuốn sách thuộc hàng “bestseller”.

Hay có thể kể tới là mối quan hệ không mấy ngọt ngào của cựu Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari với cựu Thủ tướng Yousaf Raza Gilani. Ở Sri Lanka, Tổng thống Maithripala Sirisena và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng khá bất hòa khi thỏa thuận phân chia quyền lực giữa họ vẫn chưa được thực hiện.

Bài học mà bà Suu Kyi cần nhận ra đó là ngay cả những ứng cử viên không tham vọng nhất cũng có thể tạo ra những căng thẳng sau khi người đó nắm trong tay quyền lực. Nhà soạn kịch W. Shakespeare đã từng có câu: “Người mang trên đầu chiếc vương miện mấy khi có được giấc an lành?”.

Myanmar, bà Suu Kyi, người không được mang trên đầu chiếc vương miện quyền lực ấy cũng đang chẳng thể ngon giấc khi viết nên một chương mới trong lịch sử của đất nước này.

Ông Htin Kyaw cũng từng làm việc cho chính phủ Myamar giữa những năm 70, tại Bộ Công nghiệp và Ngoại giao trước khi từ chức vào năm 1992. Ông nổi tiếng là người thân tín của chủ tịch đảng NLD, Syu Kyi. Ngoài ra Htin Kyaw là giám đốc một quỹ từ thiện mang tên mẹ Suu Kyi và có vợ là một nghị sĩ NLD mới được bầu.

Trong thời gian bị quản thúc tại nhà, ông Htin Kyaw là sợi dây kết nối Suu Kyi với thế giới bên ngoài. Vào năm 2000 khi được đi lại tự do, ông đã đi cùng Suu Kyi tham quan trung tâm Mandalay. Ông Htin Kyaw sau đó bị bắt vì mâu thuẫn với một sĩ quan quân đội ở một nhà ga và bị ngồi tù 4 tháng.

Một trong những bạn tù cũ của Htin Kyaw, hiện là thành viên NLD, Thein Swe mô tả: "Ấn tượng của tôi là ông ấy không phân biệt đối xử người giàu kẻ nghèo. Ông ấy không quan tâm tới những nguời có quyền lực mà đối xử với tất cả mọi người một cách bình đẳng và tôn trọng".

Theo Hằng Phạm