1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Myanmar: Sau bão là khủng hoảng lương thực

(Dân trí) - Thông thường, thời gian này trong năm là lúc nông dân ở đồng bằng phía nam Myanmar rút nước khỏi ruộng lúa và cày ải để chuẩn bị gieo hạt cho vụ thu. Nhưng hai tuần trước, trận bão Nargis kinh hoàng đã cuốn trôi tất cả.

Sau khi cơn bão quét qua, hàng ngàn hộ nông dân đã mất hết gia súc, gạo d trữ và thóc giống. “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ bị lỡ mất mùa vụ tới. Thời gian không còn nhiều,” ông Hakan Tongul, Phó Giám đốc Chương trình lương thực thế giới (WFP) tại Myanmar nói.

 

Ông Tongul và nhiều chuyên gia cứu trợ quốc tế khác, với kinh nghiệm lâu năm tại Myanmar, lo ngại rằng trận bão Nargis đã làm gián đoạn chu kỳ mùa vụ ở đồng bằng Irrawaddy, nơi từng là một trong những khu vực màu mỡ nhất và là vựa lúa quan trọng của thế giới.

 

Các nông dân ở khu vực đồng bằng này đã mất 149.000 con trâu cày nên không thể tiến hành cày ải ruộng để gieo hạt cho vụ mới. CARE và nhiều tổ chức cứu trợ quốc tế khác đang có kế hoạch mua máy cày sản xuất tại Trung Quốc để thay thế trâu cày. Mỗi con “trâu sắt” - theo cách gọi của người dân địa phương - có giá khoảng 1.000 USD.

 

Ngoài phương tiện canh tác, thóc giống cũng là một vấn đề lớn. Vụ tới, nguồn cung cấp có thể sẽ từ Thái Lan, thay vì sử dụng thóc giống bảo quản từ vụ trước như các nông dân Myanmar vẫn làm, vì bão đã  cuốn trôi tất cả.

 

Mối quan tâm hàng đầu hiện nay của các tổ chức cứu trợ quốc tế đang có mặt tại khu vực đồng bằng Irrawaddy của Myanmar là làm sao để chu kỳ mùa vụ ở đây không bị gián đoạn.

 

Thống kê của chính phủ nước này về số người thiệt mạng trong bão Nargis, tính đến ngày 16/5, đã tăng lên 78.000 người. Số người mất tích đã tăng từ 28.000 lên 56.000 người.

 

Trong khi đó, tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ước tính số người thiệt mạng ở trong khoảng 68.833 đến 127.990 người, còn Liên hợp quốc (LHQ) dự đoán có khoảng 220.000 người chết hoặc mất tích.

 

Các tổ chức quốc tế cho rằng số người thiệt mạng và mất tích trên thực tế còn cao hơn nhiều vì nhiều khu vực vẫn đang bị phong toả bởi quân đội và hậu quả của bão.

 

Các tổ chức thuộc LHQ và các cơ quan cứu trợ quốc tế đã tổ chức một cuộc họp kín khẩn cấp nhằm vạch ra các chiến lược hỗ trợ nông dân ở đồng bằng Irrawaddy của Myanmar sớm trở lại canh tác

 

“Cần 50.000 tấn gạo để cứu đói cho người dân địa phương trong 6 tháng tới,” ông Tongul của WFP tại Myanmar nói.

 

Sông Yangon đã phần nào được giải phóng bởi tàu thuyền đắm và gạch vữa đổ nát do bão và mở cửa trở lại vào chiều 15/5, cho phép các tàu cứu trợ cập cảng.

 

Ông Tongul cho biết WFP đã cho chuyển hàng ngàn thùng bánh hàm lượng calo cao tới miền nam Myanmar nhưng lại nghe phong thanh rằng một số đã bị mất cắp hoặc đánh tráo bằng loại bánh rẻ tiền hơn. LHQ đã mở một cuộc điều tra về vấn đề này.

 

Ngày 15/5, hãng AP cũng đưa tin chính phủ Myanmar đã phát một cảnh báo trên đài truyền thanh quốc gia rằng những người kinh doanh, tàng trữ hoặc sử dụng sai mục đích hàng cứu trợ quốc tế cho nạn nhân của bão Nargis sẽ bị khởi tố.

 

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon dự kiến có mặt tại thủ đô Yangon của Myanmar vào ngày 21/5 để tới thăm các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bão Nargis ở đồng bằng Irrawaddy.

 

Ông Ban đã cử người đứng đầu hoạt động nhân đạo của LHP, ông John Holmes, tới Myanmar vào cuối tuần trước để khảo sát tình hình thực tế và thúc giục chính phủ nước này mở cửa hơn nữa đối với hoạt động cứu trợ quốc tế.

 

Lãnh đạo nhà nước Myanmar, Thống tướng Than Shwe, đã từ chối các cuộc điện thoại cũng như hai bức thư của Tổng thư ký LHQ kêu gọi chính phủ nước này cho phép các nhóm cứu trợ quốc tế tiếp cận các vùng bị nạn.

 

Do đó, chuyến thăm này của ông Ban tới Myanmar có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và được dư luận quốc tế quan tâm.

 

Theo kế hoạch, ông Ban sẽ rời Myanmar vào ngày 23/5 và dừng ở Thái Lan để tham dự cuộc họp bàn về giải pháp khác phục thiên tai trước khi trở về New York.

 

Theo Reuters

 

Nhật Linh

Theo IHT, Independent

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm