1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ xem xét đưa Triều Tiên trở lại danh sách hỗ trợ khủng bố

Sau khi Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) xác định Triều Tiên chịu trách nhiệm trong vụ tin tặc tấn công vào hãng phim Sony của Mỹ, đã xuất hiện một số ý kiến trong chính giới Mỹ kêu gọi đưa nước này trở lại danh sách các nước hỗ trợ khủng bố.

Tổng thống Obama cũng đã tuyên bố chính quyền Mỹ sẽ xem xét khả năng này.
 
Mỹ xem xét đưa Triều Tiên trở lại danh sách hỗ trợ khủng bố
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ xem xét khă năng đưa Triều Tiên vào danh sách các nước hỗ trợ khủng bố

Liên quan đến vấn đề này, Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 25/1 dẫn báo cáo của CRS (Cơ quan nghiên cứu chính sách trực thuộc Quốc hội Mỹ) cho rằng việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước hỗ trợ cho khủng bố sẽ khiến cho những sáng kiến ngoại giao trong tương lai giữa Washington và Bình Nhưỡng cũng như các nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên trở nên phức tạp hơn. Cơ quan này đi đến kết luận Mỹ sẽ “mất nhiều hơn được” khi làm điều này.

Trong báo cáo công bố ngày 21/1 vừa qua, CRS cho rằng xét trên khía cạnh nhằm gia tăng trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên thì việc đưa nước này trở lại danh sách các nước hỗ trợ khủng bố sẽ không mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt là trong ngắn hạn, tuy nhiên có thể tác động đáng kể về mặt ngoại giao. Với Triều Tiên đó có thể coi là một mối đe dọa đối với chính sách phát triển kinh tế đi đôi với tăng cường tiềm lực hạt nhân của họ, nhất là trong bối cảnh quá trình cải thiện kinh tế Triều Tiên phụ thuộc một phần vào dòng vốn đầu tư nước ngoài.

CRS nhận định: “Việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước hỗ trợ khủng bố có thể ngăn cản các sáng kiến ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng, đặc biệt nếu lãnh đạo Triều Tiên, cũng như lãnh đạo Trung Quốc, coi đó như là một dấu hiệu cho thấy Mỹ không quan tâm đến việc đối thoại”.

CRS cho rằng khi xem xét các phản ứng trong quá khứ của Bình Nhưỡng có thể thấy rằng nếu bị đưa trở lại danh sách trên nước này có thể có các hành động nhằm đẩy cao căng thẳng như thử hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa.

“Việc này cũng có thể làm phức tạp thêm các sáng kiến của chính quyền Hàn Quốc nhằm cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Vì vậy việc đánh giá các tác động của hành động này phụ thuộc rất lớn vào việc cân nhắc liệu Washington có cần phải áp dụng một lập trường cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng hay không”, CRS kết luận.

Năm 1987, Mỹ đã liệt Triều Tiên vào danh sách các nước hỗ trợ khủng bố sau vụ một máy bay của hãng hàng không Korean Air bị nổ tung làm toàn bộ 115 người trên máy bay thiệt mạng. Tuy nhiên sau đó chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã loại Bình Nhưỡng khỏi danh sách trên vào năm 2008 để đổi lấy sự tiến triển trong các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân với nước này.

Các quan chức trong chính quyền Mỹ hiện tỏ ra thận trọng về về khả năng đưa Triều Tiên trở lại danh sách này vì cho rằng một quyết định như vậy sẽ chỉ mang tính biểu tượng do Triều Tiên hiện đang phải gánh chịu các biện pháp trừng phạt (của Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế) tương đương như vậy”.

CRS cho rằng chính quyền Mỹ có thể viện dẫn các vụ bắt giữ tàu Triều Tiên chở thiết bị quân sự bị cấm cho Syria trong các năm 2009 và 2013 để làm bằng chứng cho việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước hỗ trợ khủng bố. Tuy nhiên cơ quan này cũng lưu ý rằng các vụ việc trên hiện đã nằm ngoài thời hạn 6 tháng mà Bộ Ngoại giao Mỹ dùng để xem xét việc đưa một quốc gia vào danh sách các nước hỗ trợ cho khủng bố.

Theo Phạm Duy (P/v TTXVN tại Seoul)