1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ và Việt Nam mở một chương mới trong lịch sử

(Dân trí) - Mỹ và Việt Nam sẽ mở một chương mới trong lịch sử khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Washington, chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ 20 năm trước.

Mỹ và Việt Nam mở một chương mới trong lịch sử
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (thứ 3, bên phải) trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh (thứ 2, bên trái) tại Hà Nội hồi tháng 5/2015 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)

Đó là nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken trong bài viết của ông đăng trên trang Medium nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm Mỹ và hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. Ông Blinken cũng đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam hồi tháng 5.

Theo ông Blinken, trong 2 thập niên qua, Việt Nam đã đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo thông qua các chính sách cải cách theo định hướng kinh tế thị trường và đạt được những tiến bộ cụ thể hướng tới một xã hội cởi mở hơn. Việt Nam đã hội nhập với cộng đồng quốc tế và đang đóng vai trò tích cực và xây dựng trên toàn cầu, trong khi người dân tự do quyết định về cuộc sống và công việc của họ. Hai nước đã hợp tác trong một loạt các lĩnh vực ưu tiên, từ an ninh hàng hải, cứu trợ thiên tai tới bảo vệ động vật hoang dã và giáo dục.

Trong năm nay, Việt Nam và Mỹ đã hợp tác mạnh mẽ về một trong những nỗ lực quan trọng và tham vọng nhất từ trước tới nay: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu được ký kết, thỏa thuận thương mại - với sự tham gia của 12 quốc gia - sẽ thiết lập các tiêu chuẩn cao về lao động, sở hữu trí tuệ và môi trường. Thỏa thuận cũng mở ra các thị trường mới tiềm năng, thúc đẩy đầu tư, khuyến khích sáng tạo và hỗ trợ công ăn việc làm thu nhập cao. TPP sẽ tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp nhà nước và các công ty tư nhân. Thỏa thuận cũng có các quy định thực chất, mạnh mẽ nhằm đề cao quyền lợi của người lao động, ngăn chặn lao động cưỡng bức, bảo vệ các vùng rừng và vùng biển.

Nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng TPP không chỉ mang lại các lợi ích kinh tế. Đó là một cơ hội chiến lược cho toàn khu vực - một cơ hội chưa từng có để thúc đẩy các giá trị và thực tiễn, khai thác tiềm năng của hai nước và cải thiện cuộc sống của người dân.

"Khi Việt Nam mở cửa thị trường và củng cố các quyền cơ bản, mối quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển vì lợi ích của người dân cả hai nước", ông Blinken viết.
 
Mỹ và Việt Nam mở một chương mới trong lịch sử
Ông Blinken gặp gỡ các sinh viên Việt Nam tại Trung tâm Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh tháng 5/2015 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)

Khi tới thăm thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 5, Thứ trưởng Blinken cho biết ông đã nhìn thấy tương lai đó.

"Tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã gặp một nhóm sinh viên đang dựng video về giải pháp sáng tạo cho các vấn đề môi trường trong cộng đồng. Các đoạn video có chất lượng tốt và rất hiệu quả. Tôi đã hỏi các sinh viên rằng điều gì đã khiến họ thích thú với việc dựng video và tôi đã rất bất ngờ khi biết rằng họ đều không được đào tạo bài bản mà chỉ học cách thức làm video tại Trung tâm Mỹ", nhà ngoại giao Mỹ cho hay.

Theo ông Blinken, sự ham hiểu biết và tài năng của họ cho thấy được phản chiếu trong thế hệ trẻ Việt Nam. Giờ đây, 78% người Việt Nam có cái nhìn tích cực về nước Mỹ, trong khi tỷ lệ này tăng lên 88% ở độ tuổi dưới 30. Vào năm 1995, chỉ có 794 sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học của Mỹ. Nhưng cho tới năm ngoái, số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ đã lên tới gần 17.000, nhiều hơn số lượng sinh viên đến từ Anh, Đức, Pháp hay Brazil. Ngày nay, 22 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook và 35 triệu người dùng internet, nơi họ tự do bày tỏ và bảo vệ quan điểm.

"Trong thế kỷ 21, đó là cách thức chúng ta định nghĩa sự giàu có thực sự của một quốc gia. Không chỉ bằng các tài nguyên thiên nhiên, sức mạnh kinh tế hay sức mạnh quân sự, mà còn bằng khả năng của một quốc gia nhằm phát huy tối đa tiềm năng của người dân, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, tinh thần khởi nghiệp, tạo không gian để họ tranh luận, chỉ trích và thách thức nhận thức thông thường", ông Blinken viết.

Khi Việt Nam ngày càng mở cửa, điều đó sẽ mang lại lợi ích cho người dân. Sự thay đổi sẽ không diễn ra trong chốc lát, nhưng TPP sẽ là sự khích lệ to lớn và mạnh mẽ nhằm thúc đẩy cải cách và củng cố một xã hội tự do và cởi mở, giúp kết nối sâu rộng với nước Mỹ.

"20 năm sau khi Tổng thống Bill Clinton, Thượng nghị sĩ McCain và Thượng nghị sĩ Kerry (giờ đây là Ngoại trưởng Mỹ) mở ra sự khởi đầu lịch sử giữa hai nước, chúng ta giờ đây mới chỉ bắt đầu khai thác tiềm năng của mối quan hệ song phương. Khi nước Mỹ chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ với thế giới rằng: hai cựu thù có thể trở thành bạn, chung sống hòa bình. Giờ đây, chúng ta đang xây dựng quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của người dân hai nước nói riêng và thế giới nói chung", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

An Bình