1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc chiến phim ảnh

Khi bộ phim “Sự quyến rũ chết người” được công chiếu lần đầu tiên ở Hàn Quốc năm 1988, những tiếng thét lớn nhất vang lên không phải vào lúc người đàn bà bị phụ tình do Glenn Close thủ vai giơ lên con dao bếp, mà là khi những con rắn thật bò dưới chân các khán giả xem phim.

Nhiều người cho rằng tác giả của vụ thả rắn là các nhà phân phối phim Hàn Quốc phản đối việc lần đầu tiên một bộ phim Mỹ được phân phối trực tiếp tại nước này.

 

Kể từ đó, trong ngành phim ảnh luôn diễn ra cuộc đấu thầm lặng giữa các nhà làm phim nước ngoài và các đạo diễn, diễn viên Hàn Quốc lo sợ sẽ bị Hollywood lấy mất vị thế của mình. Cuộc chiến âm ỉ này không hề chấm dứt mà giờ đây đang chuẩn bị lên tới cao trào và có khả năng lan sang nhiều nước và châu lục khác.

 

Các nhà làm phim tức giận trước cái mà họ gọi là áp lực của Mỹ buộc họ phải mở cửa thị trường cho các bộ phim của Holywood. Hiện giờ, một đạo luật Hàn Quốc đòi hỏi các rạp chiếu bóng phải chiếu các bộ phim trong nước 146 ngày/năm.

 

Mỹ nhiều lần khẳng định việc định quota này là một trong những rào cản lớn nhất trong các thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước. Holywood coi Hàn Quốc là một trong những thị trường nước ngoài béo bở nhất của họ. Người Hàn Quốc luôn có một sự hiện diện đáng chú ý tại Hội chợ Phim Mỹ. Hội chợ sẽ được tổ chức vào tháng này ở Santa Monica (bang California), nơi các nước đến mua bản quyền phim.

 

Vấn đề quota sẽ lại được nêu ra một lần nữa khi Tổng thống Bush dự Diễn đàn Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC), tổ chức tại thành phố cảng Pusan ngày 18 -19/11.

 

Tại Festival Điện ảnh Quốc tế Pusan hồi tháng trước, sự kiện lớn nhất của nghệ thuật thứ bảy ở châu Á, các nhà làm phim đã nhân dịp này để phản đối Mỹ.

 

Một nhóm vận động của Hàn Quốc có tên là Liên minh vì Sự đa dạng Văn hóa Phim ảnh tung ra một bộ phim tài liệu mang tên “Sự quyến rũ chết người”, hàm ý nhắc tới sự kiện thả rắn nói trên. Giọng điệu của bộ phim không thua kém gì đạo diễn Michael Moore khi ông đả kích sự bành trướng của nền văn hóa Mỹ. Các nhà làm phim từ những nước như Pháp và Iran cũng ủng hộ chủ trương quota.

 

“Chúng tôi cho rằng phim không thể bị buôn bán như bất kỳ thứ hàng hóa nào khác. Nó không phải là một chiếc ôtô hay một con tàu, đó là văn hóa của chúng tôi”, Yim Soon Rye, đạo diễn phim “Anh em Waikiki” (2001), nhận xét.  

 

Đại diện thương mại Mỹ Rob Portman hồi tháng trước miêu tả chủ trương hạn chế phim và lệnh cấm nhập thịt bò Mỹ (từ năm 2003 sau khi trường hợp bò điên đầu tiên được phát hiện ở nước này) là rào cản lớn nhất cho hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc hiện nay.

 

“Đây là một vấn đề phần nào mang tính biểu tượng, liệu Hàn Quốc, một quốc gia mới phát triển, có sẵn sàng bước ra vũ đài thế giới hay không và tiến hành những thay đổi mà có thể không được lòng những nhóm nhỏ ở Hàn Quốc”, một quan chức thuộc văn phòng của vị đại diện thương mại phát biểu như vậy với điều kiện giấu tên.

 

Tại Seoul, Hội đồng Thương mại Mỹ-Hàn và Văn phòng Thương mại Mỹ hồi tháng 9 đã công bố báo cáo chính sách, trong đó quota phim được đưa lên đầu bản danh sách những vấn đề thương mại giữa hai nước. “Hành động ngay lập tức sẽ là một tín hiệu quan trọng cho cam kết của Hàn Quốc mở cửa thị trường trước hội nghị APEC", báo cáo tuyên bố.

 

Những người phản đối chính sách quota thì cho rằng ngành phim ảnh của Hàn Quốc không còn cần cái “nạng” này để có khả năng cạnh tranh nữa. Văn hóa Hàn Quốc đã tạo nên một làn sóng mạnh mẽ ở những nước láng giềng châu Á đến mức các tờ báo gọi nó là “Kim-Chic” (chơi chữ giữa từ “kim chi” và “chic” – sành điệu). Các nhà sản xuất Hollywood thì đua nhau giành quyền làm lại các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng nhất của Hàn Quốc.

 

Năm ngoái, theo Hội đồng Phim Hàn Quốc, những siêu phẩm như "Taegukgi", nói về thời chiến, và "Silmido", thời Chiến tranh Lạnh, đã giúp cho các bộ phim Hàn Quốc chiếm tới 54% trong doanh thu 854 triệu USD tiền vé của nước này. Doanh thu từ phim Mỹ chiếm 41%.

 

“Phim Hàn Quốc có cốt truyện hay và diễn xuất tốt”, Frank Rittman, Phó chủ tịch Hiệp hội phim Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bình luận. “Họ nên cảm thấy tự hào về những gì họ đang có. Chúng tôi không hề định làm kẻ thù của họ. Chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội đồng sản xuất khi có dịp”.

 

Hiệp hội này đang đề nghị xứ kim chi hạ thấp yêu cầu chiếu các phim trong nước xuống 20% thay cho mức 40% hiện giờ.

 

Han Duck Soo, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính và Thương mại Hàn Quốc, hồi tháng trước phát biểu ở Mỹ: “Chúng tôi phải tham khảo kỹ và trao đổi ý kiến về việc liệu có một hệ thống nào khác để thay đổi hệ thống hiện giờ hay không”.

 

Chính phủ tỏ ra thận trọng trong vấn đề quota phim, vì họ hiểu rõ việc này có thể gây nên những cảm xúc mạnh mẽ. Năm 1999, lần gần đây nhất khi Seoul định thay đổi chủ trương này, hàng trăm diễn viên và đạo diễn đã biểu tình trước tòa thị chính Seoul... với những cái đầu trọc. Một số nhóm cực đoan thì đe dọa sẽ cho nổ tung các rạp chiếu bóng.

 

Xét về một phương diện khác, Hàn Quốc đã trở thành hình mẫu trong một chiến dịch đa dạng hóa phim ảnh quốc tế. Chính sách quota nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Pháp và Canada cùng nhiều nước khác.

 

Tổ chức UNESCO hồi tháng trước ở Paris đã thông qua công ước nhằm khuyến khích sự đa dạng hóa văn hóa, cho phép phim ảnh không phải chịu những điều khoản của các hiệp ước thương mại. Các quan chức Mỹ và các hãng Hollywood phản đối, gọi đây là biện pháp bảo hộ có thể dẫn tới việc hạn chế bất công đối với phim Mỹ chiếu ở các thị trường nước ngoài.

 

Diễn viên Hàn Quốc Ahn Sung Ki, người đang dẫn đầu phong trào duy trì quota, tuyên bố ngành phim ảnh nước ông phát triển mạnh mẽ như hiện giờ chính là nhờ tác dụng của quota. Theo ông, Mỹ đang tạo áp lực như vậy vì họ lo ngại sẽ có hiệu ứng domino, khi các nước khác áp dụng biện pháp hạn chế tương tự với các bộ phim của Hollywood.

 

“Mỹ sợ rằng Hàn Quốc sẽ trở thành hình mẫu thành công trong việc duy trì nền văn hóa điện ảnh của mình và những nước khác sẽ học theo chúng tôi”, Ahn nhận xét.

 

Ông nhận xét số lượng và chất lượng phim Mexico giảm mạnh, sau khi nước này tăng các buổi chiếu phim Mỹ, theo Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ.

 

Tại châu Á, Nhật và Hong Kong là những thị trường cởi mở nhất đối với điện ảnh Mỹ. Mặc dù đã gia nhập Tổ chức Thương mại Tự do Thế giới, Trung Quốc vẫn áp dụng những biện pháp hạn chế ngặt nghèo trong cách thức phát hành phim nước ngoài.

 

Các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Hàn Quốc ủng hộ duy trì mức quota như hiện giờ. Nhưng dĩ nhiên, không phải ai cũng nghĩ như vậy, nhất là các fan trung thành của loại phim nghệ thuật.

 

Kwon Bo Ra, 22 tuổi, một sinh viên y vừa xem một bộ phim Pháp ở liên hoan điện ảnh Pusan, bình luận việc áp đặt tỷ lệ phim trong nước cao đã khiến cho khán giả chỉ có thể xem những tác phẩm Hàn Quốc và loại phim có tính thương mại nhất của Hollywood.

 

“Trước đây tôi nghĩ, quota là một ý tưởng hay. Nhưng phim Hàn Quốc bây giờ ngày càng hay và càng được ưa chuộng nhiều, nên tôi nghĩ chúng ta không cần quota nữa”, Kwon, xem khoảng 10 bộ phim/tháng, phát biểu. “Không có nó, chúng ta có thể có sự đa dạng hơn, khi khán giả có thể được thưởng thức những bộ phim châu Âu”.

 

Theo M.C.

Vnexpress/LA Times