Mỹ và Cuba mở lại đại sứ quán: Thông điệp lịch sử từ giấc mơ có thật
(Dân trí) - Sau hơn 50 năm gián đoạn quan hệ, Mỹ và Cuba đã chính thức mở lại Đại sứ quán từ 20/7, đánh dấu cột mốc trong quan hệ song phương và quốc tế. Đây là minh chứng cho thấy khi quyết tâm, mọi giấc mơ đều có thể trở thành hiện thực.
Giấc mơ trở thành hiện thực
Có thể nói, quá trình "tan băng" trong quan hệ Mỹ - Cuba diễn ra nhanh hơn dự đoán của rất nhiều người, không chỉ trong giới phân tích chính trị quốc tế mà của cả người dân hai nước và thế giới.
Bởi chỉ chưa đầy 7 tháng sau tuyên bố lịch sử hồi tháng 12/2014 của các nhà lãnh đạo hai nước và 4 vòng thảo luận luân phiên sau đó ở hai thủ đô, các nhà đàm phán hai bên đã vượt qua rất nhiều rào cản và bất đồng để hướng tới việc khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao.
Trong cuộc hội đàm lịch sử bên lề Hội nghị cấp cao lần thứ 7 của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) tại Panama hôm 11/4/2015, nhà lãnh đạo Cuba Raul Catro và Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã nhất trí “gác lại quá khứ để hướng tới trang mới trong quan hệ song phương”. Hai nhà lãnh đạo cũng quyết tâm đối thoại để thúc đẩy quan hệ, trên cơ sở tôn trọng những quan điểm khác biệt của nhau.
Một trong những tín hiệu đáng mừng nhất là việc hai bên dỡ bỏ rào cản lớn nhất trong quá trình khôi phục quan hệ ngoại giao song phương, bằng quyết định của chính quyền Obama chính thức đưa Cuba ra khỏi cái gọi là "danh sách các nước bảo trợ khủng bố" kể từ ngày 29/5. Đây là điều kiện tiên quyết theo yêu cầu của “đảo quốc tự do” để hai nước mở lại các Đại sứ quán, sự kiện lịch sử diễn ra đồng thời ở cả hai thủ đô La Habana và Washington DC trong ngày 20/7.
Với bước đi biểu tượng và mang tính quyết định trên, có thể thấy tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba đã đã đi tới những chặng cuối. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong quan hệ giữa hai nước mà còn với đời sống chính trị quốc tế, một minh chứng về sự hóa giải thành công mối quan hệ thù địch và đối đầu kéo dài trở thành đối tác đối thoại vì hòa bình và phát triển, phù hợp xu thế thời đại.
Dư luận quốc tế, nhất là khu vực Mỹ Latinh và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đều hoan nghênh và đánh giá cao việc Cuba và Mỹ khôi phục quan hệ ngoại giao.
Thông điệp từ bước chuyển lịch sử
Quan hệ Cuba - Mỹ là tâm điểm trong quan hệ quốc tế hàng chục năm qua do tính chất thù địch, đối đầu kéo dài và đã ám ảnh nặng nề tâm trí nhiều thế hệ người dân hai nước.
Ngay từ khi Nhà nước công nông Cuba non trẻ được thành lập, Washington đã coi quốc đảo này như "cái gai" trong mắt. Kể từ năm 1960 khi cuộc Chiến tranh Lạnh đang bước vào cao trào, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại đối với Cuba và hai bên cũng cắt đứt quan hệ ngoại giao chỉ một năm sau đó.
Mặc dù đưa ra những lời biện bạch, bào chữa cho chính sách thù địch, cấm vận của mình là "bảo vệ nhân quyền" và "thúc đẩy dân chủ", nhưng Washington không thể che giấu ý đồ phá hoại cách mạng Cuba và buộc nhân dân "đảo quốc tự do" phải từ bỏ mục tiêu lý tưởng cao đẹp mà họ đã lựa chọn là xây dựng đất nước tiến lên CNXH.
Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại.
Chính sách thù địch của Mỹ chống Cuba đã thất bại và buộc phải thay đổi. Hơn 5 thập niên qua, bất chấp sự bao vây, cấm vận của chính quyền Mỹ, nhân dân Cuba yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý vẫn đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba đứng đầu là Lãnh tụ Fidel Catro và Chủ tịch Raul Catro. Đảng, Nhà nước và người dân Cuba đã kiên cường vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và đưa đất nước tiếp tục tiến theo con đường CNXH.
Điều đó cho thấy chính sách thù địch của Mỹ nhằm cô lập Cuba trên thực tế không mang lại tác dụng như Washing ton lúc đầu mong muốn. Thậm chí còn gây tác dụng ngược khi làm tổn hại cả về chính trị, lợi ích kinh tế và hình ảnh của Mỹ ở khu vực cũng như quốc tế.
Khi mới lên nắm quyền năm 2008, chính Tổng thống Obama đã dũng cảm thừa nhận chính sách cấm vận của Mỹ chống Cuba trong nhiều thập niên qua không đạt mục tiêu mà Washington mong đợi. Vị chủ nhân da màu đầu tiên của Nhà Trắng bày tỏ sẵn sàng đối thoại với La Habana để cải thiện quan hệ song phương.
Chính từ nhận thức cấp tiến này của ông Obama, cùng với các chính sách đổi mới đúng đắn ở Cuba và sự tác động, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, hai nước đã có động lực mạnh mẽ để thay đổi thái độ đối đầu, hướng tới đàm phán, đối thoại và đi đến quyết định đột phá.
Việc Mỹ và Cuba - hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh, hai dân tộc khác biệt hoàn toàn về lý tưởng và hai quốc gia đứng đầu hai khối tư tưởng đối lập - khôi phục quan hệ sau hơn nửa thế kỷ băng giá đã truyền đi một thông điệp lịch sử mạnh mẽ.
Hai nước không chỉ chính thức khép lại chương cuối của câu chuyện Chiến tranh Lạnh vốn chia tách thế giới thành hai phe, mà còn mở ra chương mới cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Nó cũng là minh chứng cho thấy khi một dân tộc bền bỉ, kiên trì với lý tưởng của mình, dân tộc đó sẽ vượt qua mọi khó khăn để đi đến thắng lợi. Một thắng lợi không chỉ có ý nghĩa về mặt biểu tượng, mà còn là bước khởi đầu cho một quá trình phát triển mới hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, dù rằng phía trước sẽ còn không ít khó khăn, thách thức cần nỗ lực vượt qua.
Và cuối cùng, thông điệp lịch sử mà cột mốc này mang lại là phương châm đối ngoại mềm mỏng, thay vì đối đầu, bao giờ cũng đem lại hiệu quả thực sự. Bài học thực tiễn cho thấy, bao vây, cấm vận và đối đầu chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng, rối ren. Vì thế, thay vì đối đầu, các bên cần học cách bình tĩnh ngồi lại với nhau và biết chấp nhận những khác biệt của nhau để cùng đi đến mục tiêu chung cuối cùng.