1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ từng cố gắng giải cứu các con tin tại Syria nhưng bất thành

(Dân trí) - Quân đội Mỹ gần đây đã cố gắng giải cứu các công dân Mỹ bị nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt giữ tại Syria nhưng không thành, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng ngày 20/8 xác nhận, một ngày sau khi IS tung video chặt đầu một nhà báo Mỹ.

Nhà báo Foley (áo vàng) trước khi bị sát hại.
Nhà báo Foley (áo vàng) trước khi bị sát hại.

"Mỹ đã cố gắng thực hiện một chiến dịch giải cứu gần đây để giải phóng một số con tin Mỹ bị IS bắt giữ tại Syria", phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Phó đô đốc John Kirby, cho biết trong một tuyên bố.

"Chiến dịch này liên quan tới lực lượng trên bộ và trên không và tập trung vào một mạng lưới bắt cóc đặc biệt bên trong IS".

"Thật không may, sứ mệnh không thành công vì các con tin không có mặt tại một địa điểm bị tấn công", ông Kirby cho biết.

Tuy nhiên, tuyên bố không cho biết liệu quân đội Mỹ có cố gắng giải cứu nhà báo James Foley, người bị tung video hành quyết mới đây, hay không.

Nhưng các quan chức Mỹ giấu tên nói đó đúng là trường hợp của Foley.

Trong một tuyên bố riêng rẽ, Nhà Trắng xác nhận một nỗ lực giải cứu đã được thực hiện "hồi đầu mùa hè năm nay".

"Tổng thống đã phê chuẩn hành động vào thời điểm đó vì nhóm an ninh quốc gia đánh giá rằng các con tin bị nguy hiểm từng ngày trong khi bị IS bắt giữ.

Chính phủ Mỹ có được điều mà chúng tôi tin là thông tin tình báo hiệu quả và khi cơ hội đến, Tổng thống đã cho phép Bộ quốc phòng hành động để giải cứu các công dân của chúng ta", Lisa Monaco, trợ lý của Tổng thống Mỹ Barack Obama về an ninh nội địa và chống khủng bố, cho hay.

Các quan chức cấp cao của chính quyền Obama cho biết vài chục binh sĩ đặc nhiệm đã được máy bay thả xuống Syria hồi đầu mùa hè năm nay để cố gắng giải cứu các con tin Mỹ, trong đó có nhà báo Foley.

Họ nói thêm rằng, các binh sĩ đã tham gia vào một cuộc đối đầu với các phiến quân IS, tiêu diệt một số chúng. Không người Mỹ nào thiệt mạng.

IS như căn bệnh ung thư

Nhà báo Mỹ James Foley bị bắt cóc ở phía bắc Syria hồi tháng 11/2012. Nhóm phiến quân IS hôm 19/8 đã tung một đoạn video trong đó quay cảnh chặt đầu Foley.

IS tuyên bố cái chết của Foley là nhằm trả thù cho các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các mục tiêu IS tại Iraq.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Caitlin Hayden ngày 20/8 đã xác nhận rằng đoạn video về vụ hành quyết Foley là có thật.
 
Nhà báo Foley từng đưa tin khắp Trung Đông, làm việc cho tờ Global Post của Mỹ và các tổ chức truyền thông khác, trong đó có hãng tin AFP của Pháp.

Tổng thống Mỹ Obama đã lên án vụ sát hại nhà báo Foley là "hành động bạo lực khiến toàn thế giới bị sốc".

Ông Obama so sánh các phiến quân IS, hiện đang kiểm soát các khu vực rộng lớn tại Syria và Iraq, với một "căn bệnh ung thư" và nói rằng ý thức hệ của IS là "suy đồi".

Liên hợp quốc, Anh và các quốc gia khác đã bày tỏ sự phẫn nộ đối với đoạn video.

Đoạn video hành quyết Foley còn có hình ảnh một nhà báo thứ 2 của Mỹ, Steven Sotloff, hiện đang bị bắt giữ.

IS coi Washington là kẻ thù số 1. IS nói rằng nhóm này đại diện cho nguyện vọng của một quốc gia Hồi giáo toàn cầu.

An Bình
Theo BBC, AFP