Mỹ từ chối cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine
(Dân trí) - Mỹ sẽ không nối gót Anh cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine vì một số vấn đề.
"Những nước khác nhau sẽ có cách khác nhau tùy thuộc vào năng lực của mình", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bình luận về việc viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông cho biết, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine những khí tài mang đặc trưng riêng và Washington không nối gót Anh cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev do vấn đề huấn luyện và bảo dưỡng.
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, Washington cần đảm bảo rằng binh sĩ Ukraine được huấn luyện bài bản để có thể vận hành những hệ thống khí tài tinh vi hơn. "Nếu họ không biết sử dụng, viện trợ cũng vô nghĩa. Nếu họ không biết cách bảo dưỡng, cung cấp khí tài cho họ, chúng có thể hỏng hóc chỉ sau thời gian ngắn", ông Blinken nói.
Ông lưu ý thêm, Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực từng ngày để đáp ứng nhu cầu của Ukraine.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Washington sẽ chuyển các xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams cho Ukraine vào đầu mùa thu. "Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để đẩy nhanh việc bàn giao các xe tăng này, dự kiến là vào đầu mùa thu", ông Austin phát biểu trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ.
Những bình luận trên được đưa ra không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace xác nhận nước này đang cung cấp các tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow cho Kiev. Đây là tên lửa có tầm bắn lên tới 300km, có thể giúp Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga nằm sâu phía sau chiến tuyến. London khẳng định, Kiev cam kết chỉ sử dụng vũ khí này trong phạm vi lãnh thổ.
Nga cảnh báo việc đưa vũ khí đến Ukraine khiến các nước phương Tây trở thành một bên tham gia vào xung đột. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua cho biết, Nga sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng động thái của Anh.
Trung Quốc cử đại diện đến Nga và Ukraine
Trong nỗ lực nhằm tháo ngòi xung đột ở Ukraine, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/5 thông báo, đặc phái viên về các vấn đề Á - Âu của cơ quan này sẽ thăm Nga, Ukraine và một số quốc gia châu Âu khác như Ba Lan, Pháp, Đức vào tuần tới để thúc đẩy các cuộc hòa đàm. Chi tiết kế hoạch chưa được công bố.
Tháng trước, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ cử một phái đoàn đến khu vực để thúc đẩy hòa đàm về vấn đề Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh, đàm phán là cách duy nhất để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo trao đổi kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái.
Bắc Kinh đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải khi cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang năm thứ hai. Tháng 2 năm nay, Trung Quốc đưa ra kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm, song đề xuất này vấp phải sự phản đối của Kiev và phương Tây.