1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ thúc đẩy phòng thủ tên lửa tại Đông Á

(Dân trí) - Mỹ đang cân nhắc kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại tại Hàn Quốc, trong bối cảnh Lầu Năm Góc trong tuần này đã bắt đầu một nỗ lực nhằm mở rộng hợp tác tại châu Á để chống lại mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.

Mỹ đang xem xét lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc.
Mỹ đang xem xét lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc.

Washington đã tiến hành một cuộc khảo sát thực địa tại Hàn Quốc về các địa điểm tiềm tàng cho hệ thống đánh chặn Thaad, nhưng chưa quyết định nào được đưa ra nhằm triển khai hệ thống, giới chức Mỹ cho biết.

Hệ thống được thiết kế để đánh chặn các tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Hồi năm ngoái, trước những hành động khiêu khích từ Triều Tiên, Mỹ đã triển khai một hệ thống như vậy tới đảo Guam để bảo vệ các căn cứ tại đó.

Triển khai hệ thống Thaad tới Hàn Quốc có thể là một sự khích lệ quan trọng nhằm khuyến khích Seoul hợp tác đầy đủ hơn với Mỹ và Nhật Bản trong một hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực hiện đang được lên kế hoạch.

Giới chức Hàn Quốc từ lâu vẫn nói rằng họ không muốn tham gia vào một hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ và Nhật Bản đứng đầu, mà thay vào đó muốn phát triển hệ thống phòng thủ của riêng mình. Hàn Quốc đã chính thức tái khẳng định lập trường này hôm 27/5.

Một quan chức quốc phòng cho biết, Mỹ có thể triển khai hệ thống Thaad của mình tới Hàn Quốc tạm thời, và sau đó thay thế nó bằng một hệ thống do Seoul mua. Hoặc Mỹ cũng có thể cho phép Hàn Quốc mua hệ thống của riêng nước này.

Mỹ có kế hoạch mua 7 hệ thống Thaad, nhưng cho tới nay mới chỉ có 3 hệ thống đi vào hoạt động và các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn tranh cãi về việc sẽ triển khai các hệ thống còn lại ở đâu. Một số người muốn đưa một trong số các hệ thống tại Hàn Quốc, những người khác muốn đưa Thaad tới Trung Đông để bảo vệ khỏi nguy cơ tấn công từ Iran. Một số người lại muốn dự trữ 2 hệ thống trong trường hợp một cuộc khủng hoảng lớn nổ ra.

Mỗi hệ thống đánh chặn Thaad có giá khoảng 950 triệu USD.

Liên minh 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn đề phòng Trung Quốc
 
Hợp tác phòng thủ tên lửa dự kiến là chủ đề trọng tâm trong cuộc họp quốc phòng 3 bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc bên lề Đối thoại Shangri-La, một hội nghị an ninh tại Singapore, vào ngày 31/5 tới.

Trong một bài phát biểu về phòng thủ tên lửa vào hôm nay 28/5 tại Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức cố vấn tại Washington, Đô đốc James Winnefeld, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, dự kiến sẽ nhấn mạnh rằng bất chấp các căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, việc cải thiện hợp tác có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường phòng thủ.

Mặc dù cả Hàn Quốc và Nhật đều là các đồng minh của Mỹ, nhưng hai quốc gia láng giềng vẫn "gườm" nhau bởi những căng thẳng lịch sử dai dẳng. Trong những tháng gần đây, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phác thảo một chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn và vai trò lớn hơn của quân đội Nhật, khiến một số quan chức tại Seoul lo ngại.

Nhưng một liên minh 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn mạnh mẽ hơn là mục tiêu quan trọng của giới chức Mỹ, vốn xem đó là một đối trọng đối với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc và cũng có ý nghĩa quan trọng nhằm đáp trả sự gây hấn từ Triều Tiên.

"Sẽ thực sự hữu ích nếu các quốc gia có thể gạt sang một bên các khác biệt lâu nay", một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết. "Sẽ có ý nghĩa to lớn nếu khu vực nhất trí về phòng thủ tên lửa".

Riki Ellison, người sáng lập Liên minh ủng hộ phòng thủ tên lửa, cho biết hệ thống radar x-band được trang bị cho hệ thống Thaad có thể phát hiện các tên lửa trên một khu vực rộng lớn, giúp bảo vệ không chỉ Hàn Quốc mà còn Nhật Bản và Mỹ.

"Nó có thể đưa ra cảnh báo sớm về mọi thứ trong khu vực hoạt động", quan chức trên nói.

Giới chức Mỹ, trong đó có Đô đốc Winnefeld, cũng nhấn mạnh rằng việc Washington giảm chi tiêu quốc phòng đồng nghĩa với việc sự hợp tác giữa các đồng minh về một hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực ngày càng trở nên quan trọng.

Giới chức quốc phòng Mỹ đang xem xét các khoản đầu tư khác để thúc đẩy phòng thủ tên lửa tại châu Á, trong đó có một radar mới tại Alaska, vốn có thể giúp phân biệt đầu đạn thật và vật ngụy trang. Mỹ cũng đang nghiên cứu công nghệ để triển khai các thiết bị cảm ứng phát hiện phóng tên lửa trên các máy bay không người lái, như máy bay do thám Predator, vốn có thể cánh báo sớm về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

An Bình
Theo WSJ