1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ tăng gấp đôi máy bay chiến đấu tuần tra ở Baltic

Một quan chức giấu tên của Mỹ ngày 5/3 cho biết Lầu Năm Góc sẽ tăng hơn gấp đôi số máy bay chiến đấu tham gia tuần tra trên không của NATO ở khu vực Baltic và sẽ cử một máy bay tiếp liệu trên không tới đây nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Quan chức trên cho hay Lầu Năm Góc sẽ cử thêm 6 máy bay F-15 và 1 máy bay tiếp liệu KC-135 trong tuần này. Mỹ đã cung cấp 4 máy bay F-15cho mục đích tuần tra, giúp phát hiện và phản ứng trước những vi phạm không phận khu vực Baltic.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã công bố các kế hoạch tăng cường tuần tra vùng trời của các nước Estonia, Latvia và Litva.

Máy bay F-15 của Mỹ.

Máy bay F-15 của Mỹ.

Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Thủ tướng Anh David Cameron để thảo luận về tình hình ở Ukraine. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm này khi ông Obama bay từ Washington đến Connecticut.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho hay: "Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ hết sức quan ngại về sự vi phạm rõ ràng của Nga vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời họ cũng lưu ý rằng tình hình hiện nay là không thể chấp nhận được".

Ông Obama và ông Cameron còn thảo luận về sự ủng hộ quốc tế đối với Ukraine trong bối cảnh Kiev đang tìm cách ổn định nền kinh tế và chuẩn bị tiến hành bầu cử vào tháng 5 tới. Họ cũng đề cập tới sự lao dốc của thị trường chứng khoán Nga trong những ngày gần đây, cho rằng đây là tín hiệu cho thấy "Nga đã bắt đầu phải trả giá cho những hành động của mình, như việc các nhà đầu tư giảm lòng tin vào Nga".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết "các cuộc thảo luận sâu" với Nga và Ukraine sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới với hy vọng sẽ không làm leo thang tình hình căng thẳng hiện nay giữa Moskva và Kiev.

Phát biểu với các phóng viên sau khi một ngày thương lượng ngoại giao ở thủ đô Paris kết thúc mà Nga từ chối làm theo những yêu cầu của Phương Tây là tổ chức đối thoại trực tiếp với chính phủ mới ở Ukraine, Ngoại trưởng Kerry nói: "Chúng tôi ngày hôm nay đã đề xuất một tiến trình mà chúng tôi hy vọng cuối cùng sẽ làm giảm leo thang căng thẳng".

Ông Kerry còn cho biết thêm sẽ tiếp tục đàm phán với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Rome vào ngày 6/3, nơi cả hai ông sẽ tham dự cuộc họp về tình hình Libya. Ông cho biết thêm: "Tôi sẽ liên hệ với ngoại trưởng và thủ tướng của Ukraine trong tối nay. Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận rất toàn diện ngày hôm nay".

Ngoại trưởng Mỹ cũng hạ thấp việc ông Lavrov từ chối gặp người đồng cấp Ukraine ở Paris khi nói rằng ông chưa bao giờ mong đợi điều đó xảy ra. Ông cũng khẳng định các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ vẫn là một giải pháp nhưng nhấn mạnh: "Chúng tôi ưu tiên tìm ra một giải pháp ngoại giao thích hợp cho vấn đề này".

Theo TN