1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ tăng cường an ninh cho các thẩm phán xử vụ kiện của ông Trump

(Dân trí) - Nhằm đảm bảo an toàn cho các thẩm phán tham gia vụ kiện quyết định số phận của sắc lệnh di trú gây tranh cãi do Tổng thống Donald Trump ban hành hồi tháng 1, lực lượng an ninh Mỹ đã tăng cường các biện pháp bảo vệ ở cả cấp địa phương và liên bang.

Các thẩm phán tham gia một phiên xét xử tại Tòa phúc thẩm khu vực số 9 tại San Francisco, Mỹ (Ảnh: Review Journal)
Các thẩm phán tham gia một phiên xét xử tại Tòa phúc thẩm khu vực số 9 tại San Francisco, Mỹ (Ảnh: Review Journal)

Tòa phúc thẩm khu vực số 9 có trụ sở tại San Francisco, Mỹ ngày 9/2 đã ra phán quyết tiếp tục ngừng thực thi sắc lệnh di trú gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump. Ngay sau phán quyết này, ông Trump đã tỏ ra rất tức giận khi bị xử thua kiện và nhanh chóng chia sẻ một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter: "Hẹn gặp lại ở tòa! An ninh của chúng ta đang bị đe dọa".

CNN dẫn lời các chuyên gia an ninh cho rằng bình luận của Tổng thống Trump rõ ràng không có nghĩa là đặt sự an toàn của các thẩm phán tham gia xử vụ kiện vào nguy cơ bị đe dọa, nhưng nói chung, các quan chức chính phủ không nên đưa ra những bình luận chỉ trích nhằm vào một thẩm phán cụ thể, vì điều này có thể dẫn tới những phản ứng kích động tiêu cực.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho biết một số thẩm phán đang bị đe dọa nhưng không nói cụ thể các mối đe dọa đó là gì. Các cơ quan thực thi luật pháp của Mỹ xem đây là vấn đề nghiêm trọng và đề cao cảnh giác trong việc bảo đảm an toàn cho các thẩm phán. Theo đó, lực lượng Cảnh sát Tư pháp Mỹ và cảnh sát địa phương đã tăng cường các cuộc tuần tra cũng như chỉ định thêm các sĩ quan an ninh để đảm bảo an toàn cho một số thẩm phán.

“Các thẩm phán liên bang liên tục phải đối mặt với các mối đe dọa trên cả nước và Cảnh sát Tư pháp Mỹ đã điều tra hàng trăm mối đe dọa mỗi năm nhằm vào các thẩm phán liên bang. Bất kỳ ai nhìn vào những gì mà Cảnh sát Tư pháp đã làm đều phải nhận ra rằng tấn công thẩm phán cũng đồng nghĩa với việc tấn công nguyên tắc pháp quyền của nước Mỹ”, Arthur D. Roderick, cựu trợ lý giám đốc điều tra của Cảnh sát Tư pháp Mỹ, cho biết.

Phát ngôn viên của Cảnh sát Tư pháp Mỹ từ chối bình luận trực tiếp về các mối đe dọa đặt ra cho các thẩm phán nhưng cũng cho biết sẽ “tiếp tục xem xét các biện pháp an ninh hiện hành để bảo vệ tất cả các thẩm phán liên bang, cũng như có những động thái phù hợp để tăng cường bảo vệ khi có lệnh”.

Liên quan đến bình luận giận dữ trên Twitter của Tổng thống Trump sau khi Tòa phúc thẩm khu vực số 9 ra phán quyết, cố vấn của ông Trump về Tòa án Tối cao Leonard Leo cho biết việc quy chụp những lời lẽ của tổng thống với nguy cơ đe dọa an ninh của các thẩm phán là sự “suy diễn thái quá”. Theo ông Leo, Tổng thống Trump không đe dọa bất kỳ thẩm phán nào và ông chủ Nhà Trắng cũng không khuyến khích bất kỳ hành vi vô pháp nào.

Một số ý kiến cho rằng bình luận của Tổng thống Trump cho thấy nhiều khả năng ông sẽ kháng cáo phán quyết của tòa phúc thẩm và đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao, cơ quan có quyền quyết định cuối cùng về sắc lệnh di trú mà ông đã ký. Theo sắc lệnh này, Mỹ sẽ dừng toàn bộ việc tiếp nhận người tị nạn trong 4 tháng và cấm công dân của 7 quốc gia có đông dân Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày. Ông Trump cho rằng sắc lệnh này nhằm bảo vệ nước Mỹ trước làn sóng khủng bố lan rộng, tuy nhiên giới tư pháp nhận định đây là sắc lệnh vi hiến và đi ngược lại với giá trị mà Mỹ vẫn theo đuổi lâu nay.

Thành Đạt

Tổng hợp