Mỹ tận dụng đội UAV cỡ lớn tăng cường do thám Trung Quốc
(Dân trí) - Với việc lần đầu triển khai 2 máy bay trinh sát không người lái (UAV) cỡ lớn đến Nhật Bản, Mỹ đang đẩy mạnh chiến lược giám sát Trung Quốc. Điều này sẽ khiến cuộc đua UAV giữa 2 nước thêm gay cấn.
Hải quân Mỹ hồi cuối tuần qua thông báo tạm thời điều 2 chiếc MQ-4C Triton từ đảo Guam đến một căn cứ ở phía bắc Nhật Bản. Theo thông báo, đây là lần đầu tiên MQ-4C Triton được triển khai tới Nhật Bản.
"Triton là hệ thống trinh sát đường không phi vũ trang và không người lái giúp tăng cường năng lực tuần tra do thám trên biển cho liên minh Mỹ-Nhật", tuyên bố của Hải quân Mỹ nêu rõ.
Theo các chuyên gia, UAV do thám của Mỹ sẽ hoạt động thường xuyên hơn trên khu vực xung quanh Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc đối đầu quân sự giữa hai "ông lớn" này trong khu vực đang leo thang.
Đây là những chiếc UAV đầu tiên được triển khai đến Thái Bình Dương kể từ khi chúng được điều đến căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam vào đầu năm 2020. Kể từ đó, chúng thực hiện các nhiệm vụ giám sát quanh Trung Quốc, bao gồm eo biển Đài Loan và các căn cứ của quân đội Trung Quốc dọc Thái Bình Dương, và cả các khu vực gần các cơ sở quân sự của Bắc Kinh trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Hồi đầu tuần trước, một trong số 2 chiếc MQ-4C Triton cùng 2 máy bay tuần tra chống ngầm P-8A, một máy bay trinh sát điện tử EP-3E và một máy bay trinh sát điện tử RC-135W đã cùng thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông. Đội trinh sát này tập trung vào khu vực phía nam của eo biển Đài Loan, bay sát Trung Quốc và gần một căn cứ hải quân của nước này.
Giờ đây, sau khi đến Nhật Bản, những UAV này sẽ gia nhập đội ngũ trinh sát cùng các máy bay do thám khác của Hải quân Mỹ tại căn cứ không quân Misawa ở Aomori, gần mũi phía bắc của đảo Honshu, bao gồm cả máy bay tuần tra P-8A Poseidon, "nhằm hoạt động tốt hơn trên những vùng nước tắc nghẽn hay các khu vực có yếu tố môi trường khác nhau".
"Chúng tôi muốn nhằm vào các hoạt động hàng hải "ngày càng tích cực" của các nước xung quanh", tuyên bố của Lầu Năm Góc nêu rõ, được cho là rõ ràng ám chỉ đến các hoạt động của Bắc Kinh.
Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng sẽ triển khai "Ác điểu" (Global Hawk) - máy bay do thám không người lái hiện đại nhất của họ - đến Guam theo kế hoạch hàng năm kể từ năm 2014 và nhiệm vụ năm nay sẽ sớm diễn ra. Theo SCMP, trọng tâm chính của Global Hawk ở Nhật Bản là theo dõi Triều Tiên, nhưng với những hệ thống tiên tiến, nó có thể dễ dàng thu thập dữ liệu bên ngoài biên giới Triều Tiên, từ Trung Quốc cho đến Hàn Quốc.
Theo giới quan sát, các động thái của Mỹ phản ánh xu hướng sử dụng UAV trong chiến lược tăng cường giám sát Trung Quốc. Các UAV cỡ lớn - vốn được trang bị cảm biến quang học, điện tử và radar tiên tiến - có thể thay thế máy bay trinh sát điện tử có người lái EP-3E Orion trong các nhiệm vụ thông thường với chi phí rẻ hơn và an toàn hơn.
Tuy nhiên, theo nhà bình luận quân sự Trung Quốc Song Zhongping, với những nhiệm vụ phức tạp hơn, chẳng hạn như chống tàu ngầm, máy bay có người lái cỡ lớn sẽ làm tốt hơn. Vì vậy, theo ông: "Để đối phó với đội UAV do thám của Mỹ, Trung Quốc sẽ phải sử dụng các biện pháp đánh lừa quang học, tác chiến điện tử hoặc thậm chí phải bắt hoặc hạ gục nếu chúng đến quá gần". Ông cho rằng, mối lo đặt ra là PLA cũng có UAV do thám và điều này khiến chắc chắn sẽ khiến "cuộc chiến" UAV càng thêm gay cấn.
Trong những năm qua, căng thẳng quân sự giữa Bắc Kinh và Washington liên tục leo thang. Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông Hu Bo cho biết, cả hai bên thường "đối đầu" bằng UAV trên khu vực Biển Đông và gần cả khu vực bờ biển sát Trung Quốc. Theo ông, nếu Mỹ thường xuyên dùng các UAV cỡ lớn để do thám chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm hoặc đụng độ với các lực lượng của Trung Quốc. Và nguy cơ "cuộc chiến" UAV trên bầu trời đang hiện hữu hơn bao giờ hết.