Mỹ sẽ áp dụng công nghệ mới ngăn tài xế say rượu lái xe
(Dân trí) - Cơ quan quản lý an toàn giao thông của Mỹ thông báo rằng đã bắt đầu quá trình nhằm nghiên cứu để áp dụng công nghệ mới để ngăn những tài xế say rượu khởi động xe.
Guardian đưa tin, Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) ngày 12/12 đã phát đi "thông báo trước về việc đề xuất quy định" để bắt đầu thu thập thông tin và ý kiến của công chúng nhằm triển khai công nghệ để ngăn chặn người say rượu khởi động động cơ xe hơi.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Mỹ Polly Trottenberg cho biết: "Hãy mang theo những ý tưởng hay nhất, nghiên cứu của bạn, hãy cùng nhau phát triển công nghệ để ngăn chặn tình trạng lái xe khi say rượu càng nhanh càng tốt".
Thông báo NHTSA tóm tắt những nghiên cứu hiện có và nêu chi tiết những tiến bộ công nghệ nào cần hoàn thiện nhằm buộc các nhà sản xuất ô tô phải tích hợp để ngăn tài xế say rượu điều khiển phương tiện trong tương lai.
Các công nghệ được đề cập tới bao gồm "xác định nồng độ cồn trong máu, xác định tình trạng suy giảm khả năng lái xe".
Vào năm 2021, Quốc hội Mỹ đã chỉ đạo NHTSA áp dụng công nghệ để giảm thiếu các ca tử vong vì tai nạn giao thông do chất có cồn. Vào năm 2021, có 13.384 người chết do say rượu khi lái xe, đây là số liệu thống kê gần đây nhất hiện có.
Đạo luật do cơ quan lập pháp Mỹ phê chuẩn chỉ thị rằng nước này cần phải có tiêu chuẩn an toàn công nghệ trước tháng 11/2024 nếu công nghệ đã sẵn sàng.
Một số công nghệ đang được phát triển có thể phù hợp với đạo luật trên, bao gồm cảm biến dựa trên hơi thở hoặc cảm biến để phát hiện nồng độ cồn của lái xe. Một phương án tiềm năng khác là sử dụng camera để theo dõi chuyển động của mắt nhằm xác định xem người lái xe có bị say hay không.
NHTSA cho hay cơ quan này phải được đảm bảo rằng công nghệ mới hoạt động ổn định trước khi có thể yêu cầu các nhà sản xuất ô tô thực hiện. Đồng thời, các nhà sản xuất cũng sẽ được trao thời hạn ít nhất 3 năm để triển khai công nghệ sau khi các quy tắc được hoàn tất.