1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Mỹ sắp can thiệp mạnh hơn vào Ukraina?

Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đang hô hào tăng cường thêm viện trợ quân sự trực tiếp cho chính phủ Kiev. Việc thay đổi quyền lực lập pháp tại Washington có thể ảnh hưởng chính sách của Mỹ về cuộc khủng hoảng tại Ukraina hay chỉ là những “đòn gió” chính trị?

TT Ukraina Petro Poroshenko (giữa) đến Mỹ xin viện trợ vũ khí và tiền bạc nhưng bị khước từ
TT Ukraina Petro Poroshenko (giữa) đến Mỹ xin viện trợ vũ khí và tiền bạc nhưng bị khước từ

Báo chí Mỹ cho rằng các lực lượng Ukraina chiến đấu chống lại các phần tử đòi ly khai ở miền đông đang chờ đợi thêm sự giúp đỡ của châu Âu và Mỹ vào một thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể coi Tổng thống Barack Obama ở thế yếu vì những thất bại bầu cử giữa kỳ vừa qua. Chẳng hạn, Tổng thống Putin ít gặp chỉ trích về Ukraina tại hội nghị các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương ở Bắc Kinh. Andrei Illarianov, cựu cố vấn của Tổng thống Putin, gọi đây là một “sự ngưng nghỉ chiến thuật” trong cuộc tấn công Nga của phương Tây.

Illarianov phân tích: “Việc này một phần vì kết quả bầu cử quốc hội tại Mỹ, và một phần có liên hệ đến chuyến viếng thăm của ông Putin tại châu Á. Có thể đó là một quyết định cho rằng leo thang tranh chấp sẽ tạo nên một bầu không khí xấu cho những cuộc gặp của ông Putin với các nhà lãnh đạo quốc tế. Nhưng rồi sau chuyến đi này, chúng ta sẽ thấy một hiện tượng leo thang”.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, người sẽ lên giữ chức chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, gần đây đã thúc đẩy Tổng thống Obama có lập trường cứng rắn hơn đối với Moskva. Tuy nhiên theo giáo sư Keith Darden, thuộc Đại học American, thì việc này có thể có lợi cho Tổng thống Obama. “Về phương diện nào đó, việc này có thể là một đòn bẩy đối với Tổng thống Obama trong những cuộc thương thuyết với Nga về những vấn đề tồn tại vì có mối đe dọa thực sự là quốc hội Mỹ sẽ tự mình hành động”-ông Darden nói.

Eric Rubin, phụ tá trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Âu- Á, nói có sự ủng hộ rộng rãi của hai đảng tại quốc hội Mỹ về việc làm thế nào với vấn đề Ukraina. “Vấn đề chính yếu là liệu Ukraina có cần được giúp đỡ để xây dựng lại quân đội và hạ tầng cơ sở an ninh quốc gia hay không? Câu trả lời là có. Và liệu chúng ta có cam kết giúp đỡ họ hay không. Có, chúng ta đang có cam kết rất công khai. Đã có một khối lượng trợ giúp đáng kể. Sẽ có nhiều hơn nữa. Vấn đề là giúp đỡ cái gì. Và đây là vấn đề đang tranh luận hiện nay”- Rubin cho hay.

Trong cuộc tranh luận đó, các cuộc bầu cử ở những vùng ly khai của Ukraina có thể giúp đảng Cộng hòa trong việc thúc đẩy Mỹ có hành động mạnh mẽ hơn nữa kể cả việc chuyển vũ khí cho chính phủ Kiev. Theo ông Rubin, nếu quốc hội can dự vào, vấn đề Ukraina đối với Mỹ không những chỉ nghiêm túc hơn, bao gồm viện trợ quân sự và kinh tế, mà có thể có những chế tài đáng kể thêm đối với Nga và những chế tài này khó rút lại hơn.

Viễn ảnh có những chế tài nặng nề hơn sẽ là một phần của những cuộc thảo luận của Liên minh châu Âu tại Brussels ngày 17/11 tới. Federica Mogherini, người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU, phát biểu: “Sẽ có thảo luận tại đây, nhưng tôi không thể nói là chỉ bàn về việc gia tăng các chế tài không thôi nhưng trên tất cả là làm thế nào yểm trợ cho Ukraina trong những thời điểm khó khăn này, khó khăn vì an ninh trên lãnh thổ Ukraina”.

Theo giới phân tích việc đảng nào nắm quyền tại quốc hội Mỹ thì chính sách với Ukraina không đổi. Đảng Cộng hòa chiến thắng Dân chủ trong cuộc bầu cử vừa qua nên bây giờ họ phải tìm một cái gì mới để nói chứ. Tân quan, tân chính sách.

Còn nhớ, từ khi cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra, Mỹ chưa bỏ một đồng xu nào cho chính quyền Kiev ngoài những lời hứa suông hoặc hô hào tổ chức này nọ tài trợ. Về vũ khí lại càng không. Tổng thống Ukraina đã ít nhất hai lần hội kiến với Tổng thống Mỹ Obama, thậm chí có cả một bài phát biểu tại quốc hội Mỹ hồi tháng trước, nhưng sự hỗ trợ của chính quyền Washington dành cho Kiev chỉ có giới hạn. Đó là những tác động chính trị chứ tiền bạc và vũ khí thì đến giờ này vẫn chưa có gì.

Theo giới bình luận, quyết định của Mỹ không viện trợ vũ khí cho Ukraina phản ánh sự thận trọng của Lầu Năm Góc. Rõ ràng, Washington không muốn bị xem là trực tiếp hỗ trợ cho quân đội Ukraina trong cuộc đối đầu với nước Nga.

Giới chức Mỹ thừa nhận, Chính phủ nước này đang đối mặt với một tình thế khó xử. Một mặt Washington muốn thể hiện sự hỗ trợ dành cho các nhà lãnh đạo ở Kiev, nhưng mặt khác không muốn “chọc giận” một Moskva vốn dĩ rất khó đoán biết, hay tăng cường sức mạnh quân sự cho Ukraina để nước này có thể có những động thái khiến bạo lực bùng nổ.

Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes