1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ quyết gài dây mìn sát sườn Nga

Mỹ quyết tâm đưa hàng nghìn quân cùng một lữ đoàn thiết giáp tới Đông Âu, sát nách Nga để trở lại với chiến lược sợi dây mìn.

Xe tăng Mỹ trở lại

Lầu Năm Góc mới đây đã công bố kế hoạch triển khai một lữ đoàn thiết giáp tới Đông Âu vào tháng 2/2017. Đây là một phần trong nỗ lực hiện nay của Mỹ nhằm luân chuyển binh lính để trấn an các đồng minh khu vực.

Theo giới phân tích, hành động này của Mỹ mang tính biểu tượng quan trọng vì xe tăng Mỹ sẽ hiện diện thường trực trở lại trên lãnh thổ châu Âu sau khi đã được rút dần trong hai thập kỷ kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Binh sĩ và xe tăng Mỹ tại Latvia
Binh sĩ và xe tăng Mỹ tại Latvia

Trước đó, Lầu Năm Góc và NATO đã đề cập đến việc triển khai luân phiên các lữ đoàn thiết giáp cùng với 4.200 binh lính ở Đông Âu, nhưng không đưa ra lịch trình cụ thể.

Việc triển khai này nằm trong một loạt biện pháp được đề ra từ năm 2014 nhằm trấn an các đồng minh Đông Âu như mở các trung tâm hậu cần, đưa các trang thiết bị, chiến đấu cơ đến các quốc gia Baltic hoặc triển khai thêm tàu ở Biển Baltic và Biển Đen.

Nữ phát ngôn của Lầu Năm Góc, bà Laura Seal, cho biết việc triển khai lữ đoàn thiết giáp này cùng với các trang thiết bị phục vụ sẽ giúp quân đội Mỹ tăng cường khả năng triển khai nhanh chóng các loại vũ khí và lực lượng tới châu Âu.

Bà Laura Seal nhấn mạnh: "Đó sẽ là các trang thiết bị hiện đại nhất, và vào năm tới, sẽ thay thế các trang thiết bị huấn luyện lạc hậu mà chúng tôi có ở châu Âu trong những năm qua".

Bộ Quốc phòng Mỹ còn nói rõ thêm rằng 6 quốc gia có liên quan đến kế hoạch triển khai lữ đoàn thiết giáp này là Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Rumani, Bulgaria, song không tiết lộ kế hoạch triển khai cụ thể.

Mỹ công khai sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng tới sát biên giới Nga
Mỹ công khai sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng tới sát biên giới Nga

Quân đội Mỹ hiện đã có một đơn vị pháo binh Stryker đóng ở Vilseck (Đức), một lữ đoàn không vận ở Vincenza (Italy). Với đơn vị mới vừa được thông báo, quân đội Mỹ có khả năng có nguyên một sư đoàn sẵn sàng chiến đấu.

Ngay từ năm ngoái, quân đội Mỹ đã gửi đến châu Âu đầy đủ trang thiết bị của một lữ đoàn thiết giáp gồm 250 xe tăng, xe bọc thép, súng đại bác. Khoảng 62.000 binh lính Mỹ hiện đóng quân thường trực ở châu Âu. Quân đội Mỹ sẽ gửi thêm trang thiết bị liên lạc tới châu Âu để hỗ trợ cho các đơn vị đầu não.

Tháng 2/2016, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ chi 3,4 tỷ USD cho ngân sách năm 2017 để tăng cường các hoạt động luân chuyển binh lính và tổ chức các cuộc tập trận ở châu Âu.

Bộ trưởng Quốc phòng Latvia, ông Raimonds Bergmamis, đã lên tiếng hoan nghênh quyết định trên của Mỹ, coi đó là minh chứng cụ thể cho chính sách không thay đổi của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với các đối tác Đông Âu của NATO.

Ông Bergmamis nhắc lại phát biểu của Tổng thống Mỹ hồi tháng 9/2014 rằng "Tallin, Riga hay Vilnius cũng cần được bảo vệ không kém gì Berlin, Paris hay London".

Sợi dây mìn của Mỹ

Trước động thái của Mỹ và NATO, phía Nga liên tục lên tiếng cảnh cáo về sự hiện diện thường trực của lực lượng chiến đấu của các quốc gia NATO ở khu vực giáp giới với Nga. Moskva cho rằng hành động này đi ngược lại hiệp định cơ bản quy định quan hệ Nga-NATO mà hai bên đã ký năm 1997.

Giới chức Nga mới đây đã bác bỏ những thông tin đồn đoán khả năng Nga có thể có hành động quân sự với các nước Baltic vốn được thổi bùng lên sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Xe tăng M1 Abram của Mỹ tới Ba Lan
Xe tăng M1 Abram của Mỹ tới Ba Lan

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov phát biểu trên đài phát thanh Deutsche Welle của Đức: "Hiện có những đồn thổi rằng Nga sẽ triển khai xe tăng tới các quốc gia Baltic, tới Sofia hoặc Budapest. Trên thực tế, Nga không hề có ý định hay kế hoạch làm như vậy. Nga không muốn chiến tranh. Vì vậy, đó là những lời đồn thổi nực cười".

Báo chí Nga đưa ra nhận định giống như cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh lớn (có thể sử dụng cả tên lửa hạt nhân) trong ngắn hạn là không thể, song các cuộc xung đột vũ trang địa phương nhỏ lẻ là điều không thể loại trừ.

Không những thế, ngay cả giới chức cấp cao của Nga trong thời gian qua liên tục đề cập khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo giới phân tích, nguy cơ này là có thật kể từ khi ưu thế quân sự đối với các loại vũ khí thông thường thuộc về phương Tây, và Nga sẽ không "khách khí" trong việc lựa chọn biện pháp tự vệ.

Tên lửa RS-24 Yars của Nga
Tên lửa RS-24 Yars của Nga

Theo báo chí Nga, tính tới tháng 8/2015, Mỹ đã chuyển giao cho các nước Đông Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần 2.000 thiết bị quân sự hạng nặng - số vũ khí đủ cho cuộc tàn sát bằng xe bọc thép như trận Prokhorovka.

Và đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo một số nguồn tin, các phương tiện đường không và đường biển của Mỹ đang ngày đêm vận hành theo thời gian biểu nhất định giữa nước này và bờ biển châu Âu. Và chỉ có Lầu Năm Góc biết rõ có gì trong các khoang chứa hàng của các phương tiện vận tải đó.

Giới phân tích Nga cũng khẳng định Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu đã bị vi phạm cùng với các thiết bị quân sự và vũ khí đang tiến vào các quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây, và nay đã trở thành thành viên của NATO.

Theo đó, cùng với việc công khai can thiệp, hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Mỹ đang ráo riết xây dựng và củng cố một liên minh chống Moskva ngay sát biên giới Nga.

Lực lượng của Mỹ và NATO tại Đông Âu là quá mỏng so với Nga nhưng có tác dụng như sợi dây mìn
Lực lượng của Mỹ và NATO tại Đông Âu là quá mỏng so với Nga nhưng có tác dụng như "sợi dây mìn"

Giới quân sự cho rằng về bản chất, các đơn vị đồn trú của Mỹ và NATO không đủ mạnh để chống lại cuộc tấn công của một lực lượng lớn hơn nhiều, nhưng có đủ khả năng làm cho bất kỳ cuộc tấn công tiềm năng nào trở thành "sự mạo hiểm chính trị". Người Mỹ gọi việc triển khai này là “sợi dây mìn”.

Hệ thống "sợi dây mìn" điển hình trong Chiến tranh Lạnh trước đây là Tây Berlin, nơi các đồng minh phương Tây kiểm soát một nửa thành phố, bị Đông Đức cô lập và bị quân đội Xô Viết hùng mạnh bao vây.

Trong những năm căng thẳng này, Mỹ, Anh và ở mức độ thấp hơn rất nhiều là Pháp đã duy trì các đơn vị đồn trú tại Tây Berlin với khoảng 5.000 quân - lực lượng bị các đơn vị Xô Viết và khối Đông Đức vây quanh áp đảo với tỉ lệ 1/100.

Các chuyên gia quân sự đã thành lập lực lượng sẵn sàng chiến đấu có khả năng cầm cự tốt nhất trong 48 giờ. Tuy nhiên, mục đích của quân đồn trú chỉ nhằm ngăn chặn Moskva lấn tới bởi việc tấn công vào những đơn vị đồn trú này chắc chắn sẽ dẫn tới cuộc trả đũa tổng lực của phương Tây và Chiến tranh Thế giới thứ III có thể xảy ra.

Theo Minh Thành

Đất Việt