1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ phá hủy kho vũ khí hóa học cuối cùng

Minh Phương

(Dân trí) - Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ từng dự đoán rằng việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học có thể mất vài năm với chi phí khoảng 1,4 tỷ USD.

Mỹ phá hủy kho vũ khí hóa học cuối cùng - 1

Bên trong một kho chứa quân sự của Mỹ ở bang Kentucky (Ảnh: New York Times).

Tại Kho hóa chất Pueblo của quân đội Mỹ ở Colorado, đội robot đang bận rộn tháo dỡ một phần kho dự trữ vũ khí hóa học khổng lồ cuối cùng của nước này. Đây là nơi Mỹ cất giữ những quả đạn pháo chứa những chất độc hại trong suốt hơn 70 năm qua.

Ban đầu, quân đội Mỹ muốn công khai những gì họ đã bí mật làm trong nhiều năm với các loại vũ khí hóa học này: chất chúng lên những con tàu lỗi thời và sau đó đánh đắm xuống biển. Kế hoạch B là thiêu hủy trong các lò đốt khổng lồ, nhưng kế hoạch đó cũng vấp phải sự phản đối.

Quốc hội Mỹ yêu cầu tìm phương án khác, và Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát triển các kỹ thuật mới để phá hủy vũ khí hóa học mà không cần đốt cháy.

Ông Walton Levi, một kỹ sư hóa học tại kho Pueblo, là người bắt đầu làm việc trong lĩnh vực này sau khi tốt nghiệp đại học và có kế hoạch nghỉ hưu khi kho vũ khí cuối cùng này bị phá hủy.

Tại Pueblo, mỗi quả đạn bị một cánh tay robot xuyên thủng và chất độc bên trong bị hút ra ngoài. Vỏ được làm sạch để tiêu diệt mọi dấu vết còn sót lại. Chất độc được pha loãng trong nước nóng, sau đó bị vi khuẩn phân hủy trong một quy trình như trong các nhà máy xử lý nước thải.

Kho dự trữ vũ khí hóa học này từng gây xôn xao cho dư luận về quy mô, gồm bom chùm và mìn đất chứa đầy chất độc thần kinh. Năm 1989, Mỹ và Liên Xô đã đồng ý về nguyên tắc phá hủy các kho dự trữ vũ khí hóa học của họ. Khi Thượng viện phê chuẩn Công ước về Vũ khí Hóa học vào năm 1997, Mỹ và các bên ký kết khác tiếp tục cam kết loại bỏ vũ khí hóa học một lần và mãi mãi.

Tuy nhiên, việc tiêu hủy không hề dễ dàng. Sự kết hợp giữa chất nổ và chất độc khiến chúng trở nên đặc biệt nguy hiểm khi xử lý. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ từng dự đoán rằng công việc này có thể mất vài năm với chi phí khoảng 1,4 tỷ USD.

Ông Craig Williams, người tiên phong thúc đẩy phá hủy kho vũ khí hóa học này vào năm 1984, cho biết: "Đây là lần đầu tiên trên thế giới, toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ bị phá hủy".

Các cường quốc khác cũng đã phá hủy những kho dự trữ công khai của họ, gồm Anh vào năm 2007, Ấn Độ vào năm 2009, Nga vào năm 2017.

Tuy vậy, các quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo rằng vũ khí hóa học vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn. Một số quốc gia chưa bao giờ ký hiệp ước, thậm chí một số quốc gia đã ký, dường như vẫn giữ lại các kho dự trữ bí mật.