Mỹ nói Ả-rập Xê-út phải chịu hậu quả vì giảm sản lượng dầu
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, đồng minh Trung Đông Ả-rập Xê-út sẽ phải chịu hậu quả vì nhóm OPEC+ do Riyadh và Nga dẫn đầu đã quyết định cắt giảm sâu sản lượng dầu.
AP đưa tin, Tổng thống Biden ngày 11/10 nói rằng, Ả-rập Xê-út sẽ phải chịu hậu quả sau quyết định gây tranh cãi của OPEC+. Trước đó, một số đảng viên Dân chủ đã kêu gọi Mỹ đóng băng hợp tác với Riyadh.
Theo đó, nhóm các nhà sản xuất dầu quyền lực nhất thế giới OPEC+ do Nga và Ả-rập Xê-út dẫn đầu tuần trước đã quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11.
Ông Biden gợi ý rằng, ông sẽ sớm có hành động đáp trả động thái của Ả-rập Xê-út. Trong khi đó, Nhà Trắng tuyên bố đang xem xét lại quan hệ với quốc gia Trung Đông.
Theo Reuters, chính quyền ông Biden lo ngại việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ đẩy giá dầu lên cao trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8/11 diễn ra, gây bất lợi cho đảng Dân chủ trong cuộc đua nhằm giữ vững quyền kiểm soát lưỡng viện.
Ả-rập Xê-út cho biết, động thái của các nhà xuất khẩu dầu quyền lực hàng đầu thế giới đơn thuần là để phản ứng với việc lãi suất tăng vọt ở phương Tây, nơi các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang chậm trễ giảm thanh khoản, làm đồng USD tăng giá trị và khiến giá dầu giảm.
Mỹ cáo buộc OPEC "đứng về cùng một phía" với Nga và cho rằng quyết định này có tầm nhìn không xa. Washington cho rằng thế giới đã chịu đựng đủ từ việc giá năng lượng tăng vọt sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo giới chuyên gia, động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ được cho là sẽ mang lại lợi ích cho Nga. Reuters nhận định, Moscow có thể sẽ không phải giảm sản lượng vì họ vẫn đang sản xuất dầu dưới mức mục tiêu mà các bên đã đồng thuận. Trong khi đó, Nga được dự đoán sẽ hưởng lợi từ việc giá dầu tăng vì OPEC+ cắt nguồn cung ra thị trường.
Mặt khác, Điện Kremlin đánh giá cao động thái của OPEC+ là hành động có trách nhiệm, góp phần chống lại "tình trạng hỗn loạn" mà Nga cáo buộc Mỹ gây ra.
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal và Hạ nghị sĩ Ro Khanna đã trình một dự luật kêu gọi tạm dừng ngay lập tức mọi hoạt động bán vũ khí của Mỹ cho Ả-rập Xê-út trong một năm.
Tuy nhiên, giới quan sát đang theo dõi chính quyền Biden liệu sẽ có hành động đáp trả như thế nào vì Ả-rập Xê-út là đồng minh rất quan trọng với Mỹ ở Trung Đông.