Mỹ, Nhật mở rộng hợp tác phòng thủ tên lửa
Nhật Bản và Mỹ hôm nay thoả thuận tăng cường hợp tác phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa trong bối cảnh cả hai bên cùng lo ngại về khả năng bắn thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Trong khi đó, quân đội Mỹ cũng vừa kết thúc cuộc tập trận 5 ngày trên đảo Guam thuộc Thái Bình Dương. Với sự tham gia của 3 hàng không mẫu hạm, 280 máy bay chiến đấu và 22.000 binh lính. Đây được coi là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất trong khu vực Thái Bình Dương kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Theo lời tướng David Deptula, chỉ huy lực lượng không quân Mỹ thì mục đích của đợt tập trận này là "chứng minh khả năng huy động nhanh chóng một lực lượng binh sĩ, bảo vệ hoà bình, năng lượng trong khu vực của bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương".
Tại Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Aso và đại sứ Mỹ Thomas Schieffer đã ký kết một văn bản về hợp tác trong lĩnh vực phát triển khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết. Cục Phòng vệ Nhật Bản cũng tiết lộ rằng một radar độ phân giải cao có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo mới được lắp đặt tại một căn cứ quân sự ở phía bắc nước này.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc khẳng định CHDCND Triều Tiên đang có tiến hành những hoạt động chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa tầm xa. Các cơ quan tình báo đưa ra một số bức ảnh chụp từ vệ tinh, trong đó người ta nhìn thấy nhiều thùng nhiên liệu xung quanh một quả tên lửa tại một bãi bắn ở bờ biển đông bắc của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ thừa nhận rằng rất khó có thể xác định được liệu tên lửa đã thực sự được nạp nhiên liệu hay chưa trên bức ảnh chụp từ vệ tinh.
Bình Nhưỡng mới đây tuyên bố họ sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Washington về vấn đề thử tên lửa. Tuy nhiên, chính quyền Bush không chấp nhận đề xuất này, đồng thời nhấn mạnh rằng họ chỉ đối thoại với CHDCND Triều Tiên trong các cuộc gặp 6 bên để bàn về chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của quốc gia châu Á.
Theo Việt Linh
Vnexpress/AP