1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ - Nga đấu dầu mỏ

Nga lo lắng việc gia hạn cắt giảm sản lượng giúp các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ có thêm lợi thế từ giá dầu cao hơn.

Cách đây khoảng một năm, một lãnh đạo ngành dầu mỏ Mỹ có mối liên hệ gần gũi với chính giới nói rằng ngành dầu đá phiến nước này sẽ thoát khỏi cảnh khó trong năm 2018. Ông này cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ được cải thiện dưới thời Tổng thống Donald Trump, thúc đẩy GDP (tổng sản phẩm nội địa) toàn cầu và cùng với đó là nhu cầu dầu mỏ.

Sự tăng trưởng đó có nghĩa là Ả Rập Saudi sẽ tiến gần hơn sản lượng khai thác tối đa, từ đó không còn là mối đe dọa đáng kể đối với các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ nữa.

Theo cách nhìn này, các công ty Mỹ có thể giành thêm thị phần trong tương lai mà không sợ giá cả lao dốc. Đó cũng là quan điểm lạc quan của chính quyền ông Trump về "sự thống trị năng lượng" của Mỹ.

Dù vậy, câu hỏi đặt ra lúc này là nếu Nga thay đổi chính sách và thúc đẩy sản xuất, điều đó sẽ có ý nghĩa gì đối với Ả Rập Saudi và các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ? Do nhu cầu toàn cầu đang lên, khả năng Ả Rập Saudi sử dụng chiêu "nguồn cung thừa mứa" để trừng phạt những kẻ thách thức không còn cao như trước. Mặt khác, những sức ép kinh tế trong nước và kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Tập đoàn Dầu khí nhà nước Saudi Aramco buộc Riyadh tìm cách ngăn giá dầu lao dốc.

Dù gặp bất lợi so với Mỹ và Nga trong việc bổ sung những khu vực khai thác mới tại các mỏ dầu của mình, Ả Rập Saudi chưa từ bỏ vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực dầu mỏ. Nước này vẫn dẫn đầu Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong việc thương lượng với những quốc gia ngoài OPEC về việc cắt giảm sản lượng khai thác đến cuối năm 2018.

Sự kiên định của Ả Rập Saudi đối với thỏa thuận trên thoạt đầu không được Nga đáp lại, thể hiện qua các tuyên bố không dứt khoát của Moscow trước thềm cuộc gặp của OPEC hồi tháng 11-2017. Điều này khiến không ít người thắc mắc liệu Nga rốt cuộc đã có hay chưa khả năng tác động đến chính sách dầu của Ả Rập Saudi, điều Moscow không thể có được sau 4 thập kỷ nỗ lực.

Nỗi lo của Nga lúc này là việc gia hạn cắt giảm sản lượng sẽ giúp các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ có thêm lợi thế từ giá dầu cao hơn. Báo cáo của Ngân hàng Citibank cho thấy các nhà sản xuất lớn nhất Nga vẫn chưa hoạt động hết công suất, có thể khai thác thêm 300.000 thùng/ngày. Hơn nữa, Nga còn có tiềm lực về dầu đá phiến chưa khai thác.


Một mỏ dầu ở TP Khanty-Mansiysk của Nga Ảnh: REUTERS

Một mỏ dầu ở TP Khanty-Mansiysk của Nga Ảnh: REUTERS

Bất cứ sự gia tăng sản lượng nào của Nga đều sẽ cạnh tranh với động thái tương tự của Mỹ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng khai thác của nước này có thể lên đến 10 triệu thùng/ngày trong năm 2018, tăng 780.000 thùng/ngày so với hiện nay. Giới phân tích cũng nhận định nguồn cung Mỹ sẽ tiếp tục tăng, nhất là khi giá dầu lên trên 60 USD/thùng.

Họ dự báo tổng sản lượng dầu khai thác của Mỹ có thể tăng lên trên 11 triệu thùng/ngày trong 2 năm tới. Mức tăng này có thể còn cao hơn nếu giá dầu vượt lên 65 USD/thùng. Thậm chí, có dự báo đưa ra con số 20 triệu thùng/ngày.

Lúc này, sự gián đoạn sản xuất ở Venezuela, Anh, Iraq, cộng với bất ổn Trung Đông, đang có lợi cho giá dầu. Trước mắt, các nhà đầu tư đang đặt cược rằng những rắc rối tiếp diễn ở Venezuela và một số nơi khác sẽ thúc đẩy Mỹ tăng sản lượng khai thác. Về lâu dài, một số nước như Iran, Brazil, Canada… có thể tăng sản lượng xuất khẩu.

Dù vậy, cuộc đấu thật sự để giành thị phần dầu mỏ nhiều khả năng sẽ diễn ra giữa Mỹ và Nga, với những tác động địa chính trị sâu sắc. Nó sẽ cản trở nỗ lực cải thiện mối quan hệ song phương và là vấn đề an ninh nhạy cảm đối với những đối tác thương mại của cả hai quốc gia này.

Cuộc xung đột tiềm tàng liên quan đến thị phần dầu mỏ đóng vai trò sống còn đối với quyền lực của Moscow. Với người Nga, chính sách nhằm giành sự thống trị về năng lượng của Washington - trong đó có thỏa thuận xuất khẩu khí đốt cho Alaska được công bố trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây của Tổng thống Trump - nghe đe dọa không khác gì sự mở rộng của NATO cách đây khoảng hơn một thập kỷ.

Trong quá khứ, tầm ảnh hưởng và kinh tế Nga bị thiệt hại khi Mỹ, Ả Rập Saudi và Qatar bắt tay đánh vào thu nhập năng lượng của Moscow. Mối đe dọa từ hoạt động xuất khẩu dầu khí đang tăng của Mỹ có thể là yếu tố khích lệ Moscow phiêu lưu nhiều hơn bởi việc "án binh bất động" có thể vô hiệu hóa một công cụ quan trọng của chính sách đối ngoại của Nga.

Hiện nay, Nga dường như vẫn chịu bắt tay với Ả Rập Saudi để ổn định thị trường dầu mỏ. Trớ trêu thay, điều này cũng hợp ý chính quyền Mỹ hiện nay. Thông điệp ưu tiên tạo công ăn việc làm của chính quyền này có liên hệ chặt với động cơ kinh tế của cuộc cách mạng dầu đá phiến.

Theo Ngô Sinh

Người lao động