1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ, New Zealand từng bí mật phát triển “bom sóng thần”

(Dân trí) - Mỹ và New Zealand từng bí mật tiến hành các vụ thử nghiệm về một loại bom có tên gọi “bom sóng thần”, được thiết kế để phá huỷ các thành phố ven biển bằng việc sử dụng các vụ nổ dưới biển để tạo ra sóng thần.

 
Mỹ, New Zealand từng bí mật phát triển “bom sóng thần”

Các cuộc thử nghiệm được tiến hành tại vùng biển quanh đảo New Caledonia (lãnh thổ phụ thuộc của Pháp tại Châu Đại Dương) và thành phố Auckland (New Zealand) trong Thế chiến II. Các cuộc thử nghiệm cho thấy vũ khí trên là khả thi và một chuỗi 10 vụ nổ lớn dưới biển có thể tạo ra sóng thần cao 10m, có thể nhấn chìm một thành phố nhỏ.

Kế hoạch bí mật, có biệt danh là “Project Seal”, đã thử nghiệm “bom sóng thần” như một đối thủ tiềm năng của bom hạt nhân. Khoảng 3.700 quả bom đã được kích hoạt trong các cuộc thử nghiệm, ban đầu tại New Caledonia và sau đó là tại bán đảo Whangaparaoa gần thành phố Auckland.

Dự án trên chỉ được đưa ra ánh sáng trong một nghiên cứu của Ray Waru, một học giả kiêm nhà làm phim người New Zealand. Ông Waru đã rà soát các dữ liệu quân sự bị lãng quên trong trung tâm lưu trữ quốc gia New Zealand.

“Điều đó thật vô cùng kinh ngạc. Ban đầu là ai đó đã đưa ra ý tưởng phát triển một loại vũ khí huỷ diệt hoàng loạt dựa trên sóng thần... và New Zealand có vẻ như đã thành công trong việc phát triển nó tới cấp độ có thể hoạt động được”, ông Waru nói.

Dư án được khởi động vào tháng 6/1944 sau khi một quan chức hải quân Mỹ, E A Gibson, nhận thấy rằng các vụ nổ nhằm phát quang các rặng san hô ngầm quanh các hòn đảo ở Thái Bình Dương đôi khi tạo một con sóng lớn, tạo ra viễn cảnh có thể chế tạo “bom sóng thần”.

Ông Waru cho hay cuộc thử nghiệm ban đầu khá khả quan nhưng dự án cuối cùng đã bị huỷ bỏ vào đầu năm 1945, mặc dù giới chức New Zealand vẫn tiếp tục đưa ra báo cáo về các thí nghiệm vào những năm 1950. Các chuyên gia kết luận rằng các vụ nổ riêng rẽ không đủ mạnh và một quả bom sóng thần nếu thành công phải cần khoảng 2.000 tấn chất nổ xếp thành hàng dài cách bờ khoảng 8km.

44 năm sau dự án chung nói trên, New Zealand đã đối mặt với sự rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ an ninh với Washington sau khi Wellington cấm các tàu hạt nhân của Mỹ vào lãnh thổ nước này trong những năm 1980. Cuộc tranh cãi đã dẫn tới việc Mỹ hạ cấp quan hệ với New Zealand từ “đồng minh” xuống thành “bạn bè”.

Trong cuốn sách mới của ông mang tựa đề “Secrets and Treasures” (Tạm dịch: Bí mật và kho báu), ông Waru cũng tiết lộ những phát hiện bất ngờ trong kho lưu trữ, trong đó có hàng nghìn báo cáo của Bộ quốc phòng Zealand về các lần nhìn thấy UFO của người dân, giới chức quân sự và phi công thương mại.

An Bình
Theo Telegraph