Mỹ, NATO dè chừng “cơn ác mộng” từ sức mạnh tàu ngầm Nga
(Dân trí) - Các quan chức Hải quân NATO từng nhiều lần cảnh báo về sức mạnh của tàu ngầm Nga, một lực lượng mà NATO miêu tả là phức tạp và triển khai tích cực tại các vùng biển, trong khi Mỹ nhận định các tàu ngầm Moscow đang hoạt động mạnh nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Theo Business Insider, các quan chức Mỹ lo ngại về những khu vực mà tàu ngầm Nga đang hoạt động. Họ từng cảnh báo các tàu ngầm Nga đang tiếp cận hệ thống cáp ngầm trọng yếu dưới biển, điều mà tàu ngầm Mỹ từng làm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, năng lực vượt trội nhất của các tàu ngầm Nga là khả năng tấn công chính xác vào các mục tiêu trên mặt đất.
Khi được hỏi về dẫn chứng cụ thể nhất cho thấy sự phát triển của tàu ngầm Nga, Đô đốc James Foggo, chỉ huy Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, đã đề cập tới các tên lửa được trang bị trên tàu. Đây là những vũ khí cho thấy năng lực tấn công mặt đất uy lực của tàu ngầm Nga.
“Tên lửa hành trình lớp Kalibr được phóng từ các hệ thống phòng vệ ven biển, các máy bay tầm xa và các tàu ngầm ở ngoài khơi bờ biển Syria. Chúng cho thấy khả năng các tên lửa này có thể tấn công gần như mọi thủ đô ở châu Âu từ bất kỳ vùng biển nào quanh châu Âu”, ông Foggo cho biết.
Các tên lửa Kalibr, gồm các phiên bản chống hạm, tấn công mặt đất và chống ngầm, đã được đưa vào hoạt động từ những năm 1990. Tên lửa Kalibr tấn công mặt đất có thể được phóng từ các tàu ngầm và tàu nổi, có khả năng mang theo đầu đạn nặng hơn 450kg bắn tới các mục tiêu cách xa từ 1.500-2.000 km.
Sau các đợt tấn công đầu tiên tại Syria, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa Kalibr có độ chính xác cao khi cho sai số “chỉ vài mét”. Điều này đồng nghĩa với việc năng lực tấn công của tên lửa Kalibr cũng không kém cạnh tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
Năm 2011, Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ dẫn lời một quan chức công nghiệp quốc phòng Nga cho biết Moscow đã lên kế hoạch trang bị tên lửa Kalibr trên tất cả tàu ngầm hạt nhân và phi hạt nhân, các tàu nổi cỡ lớn mới, thậm chí cả các tàu phiên bản cũ hơn. Tuy nhiên phải tới năm 2015, các hệ thống này mới được đưa vào tác chiến.
Tháng 10/2015, các tàu chiến Nga trên biển Caspian đã phóng 26 tên lửa Kalibr nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Tiếp đó, tàu ngầm Veliky Novgorod đã phóng 3 tên lửa Kalibr từ phía đông Địa Trung Hải nhằm vào các mục tiêu của IS ở đông Syria. Tới tháng 12, một tàu ngầm khác của Nga phóng 4 tên lửa Kalibr trong khi di chuyển tới cảng quê nhà trên Biển Đen.
Thông điệp từ tàu ngầm Nga
Các tàu ngầm và tàu nổi của Nga đã phóng hàng loạt tên lửa Kalibr vào các mục tiêu tại Syria. Động thái này của Nga không chỉ xuất phát từ mục đích tiêu diệt các phần tử khủng bố tại Syria, mà còn nhằm gửi một thông điệp tới phương Tây.
“Không có yêu cầu về chiến thuật hay tác chiến bắt buộc họ phải làm như vậy. Họ đang gửi thông điệp tới chúng ta về năng lực của họ”, Đô đốc William Gortney, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ, phát biểu trước Quốc hội năm 2016.
Theo Magnus Nordenman, giám đốc Sáng kiến An ninh Xuyên Đại Tây Dương tại Hội đồng Đại Tây Dương, Nga đã sử dụng Syria như một nơi để phô diễn năng lực tàu ngầm cũng như khả năng phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm.
Báo cáo của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ từng nhận định việc triển khai tên lửa Kalibr trong Hải quân Nga đã làm thay đổi đáng kể khả năng “đánh chặn, đe dọa hoặc phá hủy các mục tiêu của đối phương”.
Mặc dù quy mô của lực lượng tàu ngầm Nga hiện nay vẫn nhỏ hơn so với thời kỳ Liên Xô trước đây, tuy nhiên năng lực của tên lửa hành trình Kalibr đã khiến nhiều người lo ngại rằng NATO cần đặt mục tiêu xa hơn về phía bắc, ngoài phạm vi của khu vực GIUK (vùng biển giáp ranh Greenland, Iceland và Anh) - nơi vốn được coi là “nút cổ chai” khi các tàu ngầm Nga muốn tiến vào Đại Tây Dương thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
“Ngày nay, các tàu ngầm Nga không cần phải đi quá xa nếu muốn tấn công các cảng biển, sân bay, các trung tâm chỉ huy và kiểm soát ở châu Âu, do vậy họ không cần phải tiếp cận vùng GIUK. Nói cách khác, vùng GIUK không còn đóng vai trò quan trọng như trước đây”, ông Nordenman nhận định.
Mỹ, NATO đẩy mạnh phương án đối phó
Đô đốc Foggo cho rằng các tàu ngầm Mỹ có lợi thế nhất định, song ông cũng cảnh báo Nga có thể triển khai những tàu ngầm chạy êm và có tính sát thương cao nhất thế giới.
“Đó là lý do các tàu ngầm Nga trở nên đáng quan ngại. Rõ ràng chúng có khả năng đánh chìm các tàu nổi, hoặc chúng có thể sử dụng các tên lửa hành trình để tấn công các cảng biển và các sân bay”, chuyên gia Nordenman nói.
“Chúng ta hiểu rằng các tàu ngầm Nga đang có mặt tại Đại Tây Dương, thử thách các hệ thống phòng thủ của chúng ta, cạnh tranh kiểm soát trên biển, chuẩn bị cho một không gian tác chiến dưới nước nhằm mang lại cho họ lợi thế trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai. Chúng ta cần ngăn cản lợi thế đó”, Đô đốc Foggo cho biết.
Hải quân Mỹ đã đề xuất rót thêm ngân sách để mua phao âm phát hiện tàu ngầm cũng như các trang thiết bị sau khi nhận thấy nhu cầu cấp bách của việc chuẩn bị cho cho cuộc chiến chống ngầm. Các thành viên của NATO cũng lên kế hoạch mua thêm các máy bay P-8A Poseidon do Mỹ chế tạo. Đây được xem là dòng máy bay săn ngầm tốt nhất hiện nay.
Trong khi đó, Đô đốc Foggo xác nhận Nga đang đầu tư rất mạnh vào hạm đội tàu ngầm và muốn tạo ra mối đe dọa “không cân xứng” với Mỹ và NATO. Trong khi Hải quân Nga hiểu rằng họ không thể chạy đua về tàu sân bay và những tàu mặt nước lớn khác, Moscow vẫn có thể thách thức Hải quân Mỹ về tàu ngầm. Nga hiện duy trì 6 tàu ngầm tấn công điện-diesel thuộc lớp Kilo ở Biển Đen và đông Địa Trung Hải.
Thành Đạt
Theo Business Insider