1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ: Mọi cánh cửa ngoại giao sẽ đóng nếu Nga sáp nhập Crimea

(Dân trí) - Mỹ đã cảnh báo Nga rằng bất kỳ động thái nào nhằm sáp nhập Crimea sẽ khiến mọi cánh cửa ngoại giao bị đóng lại, trong bối cảnh Mátxcơva tăng cường sự kiểm soát tại bán đảo này.

Nga, Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về Ukraine.
Nga, Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng Crimea là một phần của Ukraine và Mátxcơva nên tránh leo thang quân sự.

Trao đổi giữa ông Kerry và ông Lavrov diễn ra trong một cuộc điện đàm ngày 8/3, một quan chức Bộ ngoại giao Mỹ cho biết.

"Ông ấy (John Kerry) đã nói rõ rằng sự khiêu khích và gia tăng leo thang quân sự tại Crimea hay bất kỳ nơi nào khác ở Ukraine, cùng các bước đi nhằm sáp nhập Crimea vào Nga, sẽ đóng mọi cánh cửa ngoại giao và ông ấy đã hối thúc kiềm chế tối đa", quan chức Mỹ cho hay.

Mátxcơva đã tăng cường sự kiểm soát quân sự trên bán đảo Crimea và giới chức thân Nga tại Crimea đã tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 để ly khai khỏi Ukraine và gia nhập Nga.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine "được tạo ra một cách nhân tạo nhằm phục vụ đơn thuần các mục đích địa chính trị".

Ông Lavrov cũng xác nhận rằng Nga đã có các liên lạc với chính phủ lâm thời của Ukraine, nhưng cho biết Kiev đang phụ thuộc vào phong trào cựu hữu.

Phát biểu trước các nhà báo tại Mátxcơva ngày 8/3, ông Lavrov nói: "Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đối thoại với phương Tây trên cơ sở rằng một cuộc đối thoại cần trung thực, bình đẳng và không có các âm mưu nhằm biến chúng tôi thành một bên trong cuộc khủng hoảng. Chúng tôi không tạo ra cuộc khủng hoảng này".

Obama điện đàm với 6 lãnh đạo phương Tây trong 1 ngày

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 8/3 đã thảo luận cuộc khủng hoảng tại Ukraine với hàng loạt lãnh đạo phương Tây.

Theo Nhà Trắng, ông Obama đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Ý Matteo Renzi và Tổng thống Pháp Francoise Hollande.

"Các nhà lãnh đạo đã nhắc lại lo ngại nghiêm trọng của họ về sự vi phạm rõ ràng của Nga đối với luật pháp quốc tế và tái khẳng định sự ủng hộ về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", tuyên bố từ Nhà Trắng cho biết.

Ngoài ra, ông Obama cũng có các cuộc điện đàm với Tổng thống Latvia Andris Berzins, Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite và người đồng cấp Estonia Toomas Hendrik Ilves. Cả 3 quốc gia vùng Baltic này đều từng thuộc Liên bang Xô Viết cũ.

Trước đó, phủ tổng thống Pháp cho hay ông Hollande và ông Obama đã thảo luận "các biện pháp mới" chống lại Nga nếu nước này không hành động để xoa dịu cuộc khủng hoảng.

Họ khẳng định về "sự cần thiết của việc Nga phải rút các lực lượng được điều tới Crimea kể từ cuối tháng 2 và làm tất mọi điều để cho phép triển khai các quan sát viên quốc tế", văn phòng của ông Hollande cho biết.

Hiện chưa rõ "các biện pháp mới" nói trên là gì.

OSCE bị bắn cảnh cáo

Lực lượng thân Nga diễu hành tại Crimea ngày 8/3.

Lực lượng thân Nga diễu hành tại Crimea ngày 8/3.
 
Trong khi đó, các phát súng cảnh cáo bị bắn đi khi một nhóm quan sát viên quốc tế cố gắng vào bán đảo Crimea hôm qua.

Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cho hay không ai bị thương trong vụ việc tại Armyansk. Đây là lần thứ 3 các đại diện của OSCE bị ngăn cản vào Crimea.

Các nhân chứng đi cùng OSCE cho hay, vài tiếng súng chỉ thên đã bị bắn đi khi đoàn xe chở các đại diện của tổ chức này tiếp cận một chốt kiểm soát do các lực lượng thân Nga quản lý trên một con đường chính dẫn từ đất liên Ukraine vào bán đảo Crimea.

Một nữ phát ngôn viên của OSCE cho hay sứ mệnh đã rút về thành phố lớn gần nhất là Kherson, để quyết định các bước đi tiếp theo.

Các đại diện của OSCE, có trụ sở tại Vienna (Áo), đến Ukraine theo lời mời của chính phủ lâm thời Ukraine. Tuy nhiên, giới chức thân Nga tại Crimea cho biết tổ chức này không được phép vào bán đảo.

An Bình
Theo AFP, BBC