1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ dùng Triều Tiên gây áp lực để Hàn Quốc tẩy chay Huawei

(Dân trí) - Mỹ cảnh báo rằng việc chia sẻ thông tin tình báo về Triều Tiên cho Hàn Quốc sẽ gặp rủi ro nếu Seoul không có động thái mạnh mẽ với hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc, Huawei.

Mỹ dùng Triều Tiên gây áp lực để Hàn Quốc tẩy chay Huawei - 1

(Ảnh: Reuters)

Theo SCMP, Mỹ đang gia tăng áp lực lên đồng minh Hàn Quốc, sử dụng mối quan ngại của Seoul về việc mất đi quyền tiếp cận thông tin tình báo về quốc gia hàng xóm ở phía bắc bán đảo Triều Tiên.  

Động thái gây áp lực này nằm trong một chiến dịch có quy mô rộng nhằm cô lập Huawei trên toàn cầu viện dẫn mối lo ngại về an ninh. Điều này đồng thời dồn áp lực lên chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải tìm cách cân bằng giữa đồng minh an ninh Mỹ và đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc.

Hiện Seoul đang dựa vào khả năng thu thập thông tin tình báo của Mỹ để có được những chi tiết quan trọng về Triều Tiên, quốc gia về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc sau cuộc chiến năm 1950-1953.

Theo hiệp ước phòng thủ chung ký sau sự kiện này, Hàn Quốc đã cho phép 28.500 quân nhân Mỹ đồn trú.

“Nhiều người Hàn Quốc đang quan ngại rằng nếu chính quyền ông Moon không tham gia vào phong trào tẩy chay Huawei do Mỹ phát động, sẽ không còn các hoạt động trao đổi thông tin quân sự giữa 2 nước. Xa hơn, nó có thể gây nên sự rạn nứt của liên minh”, chuyên gia Kim Jong-ha tại đại học Hannam nhận định.

Trả lời phỏng vấn báo Donga, ông Randall Schriver, trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh châu Á Thái Bình Dương đã cảnh báo Hàn Quốc về vấn đề Huawei.

“Mỹ không muốn chứng kiến tình cảnh mà chúng tôi không còn tự tin để chia sẻ thông tin nhạy cảm với các đồng minh”, ông Schriver nói.

Khi được hỏi liệu Mỹ có thấy khó khăn để chia sẻ thông tin tình báo về Triều Tiên với Seoul nếu Hàn Quốc sử dụng công nghệ Huawei, quan chức trên nói: “Chúng tôi hy vọng điều này không xảy ra”.

Bình luận này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris cũng đưa ra nhận định tương tự về việc Mỹ không muốn “hé lộ thông tin an ninh nhạy cảm trong một mức độ rủi ro không thể chấp nhận được” và “sẽ phải đánh giá lại cách mà chúng tôi chia sẻ thông tin với đồng minh”.

Ông Harris thẳng thắn đề cập rằng Washington quan ngại về yếu tố an ninh liên quan tới việc Huawei tham gia vào hệ thống mạng 5G của Hàn Quốc.

Hàn Quốc tiến thoái lưỡng nan

Cho tới lúc này, Hàn Quốc được cho là đang để cho các công ty viễn thông tại nước này tự quyết định xem có dùng sản phẩm Huawei hay không, và Seoul dường như muốn đứng giữa trong căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong 3 hãng viễn thông Hàn Quốc, đã có một hãng lựa chọn mua thiết bị truyền dẫn cho mạng lưới 5G của Huawei.

Dù ông Moon chưa lên tiếng về vấn đề này, nhưng các nguồn tin trong chính quyền Hàn Quốc cho biết bất cứ công nghệ nào có liên quan tới Huawei trong mạng lưới 5G sẽ không được kết nối vào hệ thống của quân đội Mỹ và Hàn Quốc.

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen vì quan ngại gián điệp, rủi ro an ninh và chiếm đoạt công nghệ. Mỹ cũng được cho là đang gây áp lực cho các đồng minh và đối tác để có động thái mạnh mẽ với doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo SCMP, cùng với vấn đề Triều Tiên, Huawei được cho là sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự giữa ông Moon và ông Trump bên lề thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này.

Ông Daniel Pinkston, một giáo sư tại đại học Troy (Hàn Quốc) cho rằng Seoul sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng nếu thiếu đi thông tin tình báo về Triều Tiên do Mỹ thu thập được thông qua hệ thống vệ tinh do thám và các công nghệ cao.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng hoài nghi rằng nếu Hàn Quốc có động thái chống Huawei, Trung Quốc có thể sẽ trả đũa bằng nhiều cách, trong đó có việc cấm bán đất hiếm cho Seoul. Sungku Jang, chuyên gia tại Viện Asan, nói rằng một nửa số đất hiếm của Hàn Quốc hiện nhập từ Trung Quốc.

Đức Hoàng

Theo SCMP