Mỹ dùng ''mối đe dọa từ Nga" để gia cố quyền lực
Theo Sputnik, với lý do "mối đe dọa từ Nga", Mỹ đang vận động thành viên NATO tăng cường chi tiêu dành cho quốc phòng.
Mỹ điều khiển đồng minh
Báo Nga dẫn lại tờ báo Berlingske cho biết, Mỹ đang đẩy mạnh tuyên truyền "mối đe dọa từ Nga" là có thật và cần phải có biện pháp quân sự để sẵn sàng đối phó.
Chiến dịch vận động này diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới dự kiến diễn ra tại Warsaw vào tháng 7/2016, khi mà Washington đang nỗ lực thuyết phục các quốc gia thành viên tại châu Âu tăng đóng góp tài chính cho nhu cầu của liên minh này.
"Chính phủ Đan Mạch biết những gì tôi nghĩ về ngân sách quốc phòng của họ", Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch Rufus Gifford phát biểu với báo Berlingske.
Theo đại sứ Gifford: "Từ rất lâu, chúng tôi đã biết rằng, các quốc gia châu Âu đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Nhưng, bây giờ là thời điểm phải tái đầu tư. Đây sẽ là một chủ đề rất quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Warsaw vào tháng 7/2016".
Hiện nay, Đan Mạch đang dành khoảng 1,2% GDP cho quốc phòng, và theo quan điểm của Mỹ, số ngân sách này là không thấm vào đâu với nhu cầu thực tế. Vị đại sứ Mỹ nhấn mạnh: "Xu thế hiện tại (về việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng) phải hoàn toàn chấm dứt".
Điều quan trọng đối với Mỹ là các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh lần này phải đạt được sự đồng thuận về sự cần thiết phải chi thêm cho ngân sách quốc phòng trên toàn châu Âu.
“Thế giới an toàn hơn khi Mỹ và EU đoàn kết là một và tăng chi tiêu quốc phòng", Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố.
Sở dĩ Tổng thống Mỹ phải nhấn mạnh về an nguy của thế giới phụ thuộc vào mối quan hệ Mỹ, châu Âu bởi lẽ, bản thân mối quan hệ thâm tình này bắt đầu có những sự rạn nứt, đặc biệt từ sau khi chương trình nghe lén, kiểm soát thông tin của Mỹ bị phanh phui và phần lớn nạn nhân trong đó chính là đồng minh thân cận của Mỹ như Anh, Pháp, Đức…
Ngoài ra, trong 28 nước thành viên NATO, không phải quốc gia nào cũng có nền kinh tế ổn định. Nhìn chung, NATO, châu Âu đang bước vào giai đoạn cắt giảm chi phí, thậm chí có nhiều quốc gia phải cắt giảm sâu. Và cả khối khó có thể thống nhất cho một sức mạnh chung khi bản thân mặt bằng chi tiêu không thể cân bằng.
Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2007 đến nay các nước giàu có bên châu Âu phải “thắt lưng buộc bụng”, Từ năm 2006 đến năm 2012, các nước châu Âu thuộc khối NATO giảm ngân sách quốc phòng 11%, và từ năm 2000 đến 2012, số quân nhân của các nước này giảm 25%, từ 2,51 triệu người xuống còn 1,86 triệu người.
Có thể thấy, Mỹ và NATO đều vấp phải vô vàn những khó khăn về tài chính. Và một NATO già nua đã buộc Tổng thống Mỹ phải đau đớn thốt lên rằng: "chúng ta (tức 28 nước thành viên NATO) cần phải bỏ nhiều tiền hơn để đảm bảo an ninh lẫn nhau.”
Cuộc chơi không cân sức
Tạp chí IHS Jane’s, một chuyên san chuyên phân tích và tư vấn công nghiệp quốc phòng, cho biết lần đầu tiên trong bốn năm qua, chi tiêu quân sự trên thế giới năm 2014 đã không giảm, mà thậm chí còn tăng nhẹ lên 945 tỷ bảng Anh (tương đương 1.677 tỷ USD).
Tuy nhiên, chính con số trên đang khiến Mỹ và NATO như ngồi trên đống lửa. Bởi lẽ, Mỹ và NATO đang bắt buộc phải cắt giảm chi tiêu quân sự nhằm tiết kiệm ngân sách. Vậy để được con số kia, đồng nghĩa với việc những thế lực khác đang ráo riết tăng cường chi tiêu quốc phòng.
Cụ thể, hai cường quốc Nga, Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự. Nếu như chi phí quốc phòng của Mỹ trong năm 2013 nhiều nhất thế giới, với mức chi 582,4 tỷ USD, vượt xa Trung Quốc với mức chi là 112 tỷ USD, thì bước sang năm 2014, cục diện này đã thay đổi.
Được biết, Bắc Kinh đã phân bổ tới 148 tỷ USD trong ngân sách cho chi phí quốc phòng trong năm 2014, tăng hơn 6% so với năm trước, trong khi Mỹ bắt buộc phải thắt hầu bao trên nhiều lĩnh vực. Quốc gia đông dân nhất thế giới này hiện "không ngại" thể hiện tham vọng trở thành cường quốc hải quân.
Đô đốc Locklear, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cảnh báo nhiều khả năng vào cuối năm nay, cường quốc châu Á này sẽ lần đầu tiên sở hữu những tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân tầm xa, một phần của hạm đội tàu ngầm ngày càng lớn mạnh của Bắc Kinh.
Theo ông Locklear, những tàu ngầm lớp mới nhất của Trung Quốc sẽ được trang bị một loại tên lửa đạn đạo mới có tầm bắn ước tính 7.500km.
Quan chức quốc phòng Mỹ nhận định Trung Quốc đã đạt tiến bộ đáng kể về năng lực tàu ngầm và trong khoảng thập kỷ tiếp theo, Trung Quốc sẽ sở hữu một lực lượng gồm 60-70 tàu ngầm tương đối hiện đại - một con số không nhỏ đối với một cường quốc khu vực.
Và một hệ quả nhãn tiền, năm 2015, theo tính toán của tạp chí IHS Jane’s, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã bằng cả Anh, Pháp, Đức cộng lại.
Còn về phía Nga, hiện là quốc gia đang giữ chi tiêu quốc phòng đứng thứ ba toàn cầu, sau Mỹ, Trung Quốc. Năm 2013, Nga giữ mức chi tiêu vào khoảng trên dưới 70 tỷ USD. Mức chi tiêu này tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2007 và sẽ tăng gấp 3 vào năm 2016.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận rằng: "Khi phương Tây buộc phải cắt giảm thâm hụt và phải cắt giảm sâu, kết quả tất yếu, Mỹ và phương Tây sẽ mất dần ảnh hưởng trên trường quốc tế. Khoảng trống sẽ được lấp đầy bởi các cường quốc khác và đương nhiên họ sẽ không chia sẻ lợi ích và các giá trị với Mỹ và NATO".
Theo Mỹ Đức
Đất Việt