1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ đưa máy bay ném bom đến Guam, đẩy mạnh chiến lược "hành động khó đoán"

(Dân trí) - Động thái đưa các máy bay chiến đấu B-1 đến đảo Guam được cho là nằm trong chiến lược của Lầu Năm Góc nhằm khiến các đối thủ khó đoán trước hoạt động của các lực lượng quân sự Mỹ.

Mỹ đưa máy bay ném bom đến Guam, đẩy mạnh chiến lược hành động khó đoán - 1

Các máy bay ném bom B-1 và máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ huấn luyện cùng các máy bay chiến đấu F-15 của Hàn Quốc năm 2017. (Ảnh: Bộ quốc phòng Hàn Quốc/Getty)

Chỉ vài tuần sau khi Không quân Mỹ đưa các máy bay B-52 khỏi đảo Guam, tạm ngừng sự hiện diện liên tục suốt 16 năm của các máy bay ném bom hạng nặng trên hòn đảo này, các máy bay ném bom B-1 đã quay trở lại Guam.

Các lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) ngày 1/5 thông báo, 4 máy bay ném bom B-1, có khả năng mang nhiều vũ khí nhất trong phi đội của Mỹ, đã tới căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam để thực hiện huấn luyện và “các sứ mệnh răn đe chiến lược” ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Phi đội B-1, từ căn cứ không quân Dyess tại Texas, đang được triển khai theo sứ mệnh mà Không quân Mỹ gọi là lực lượng đặc biệt máy bay ném bom, một kế hoạch được thiết kế để đưa các máy bay chiến đấu loại lớn tới các địa điểm khắp thế giới nhằm chứng minh “sự không thể đoán trước về hoạt động”, tuyên bố nói thêm.

Không quân Mỹ không nói rõ các máy bay trên sẽ ở lại bao lâu trên đảo Guam.

Các nhà phân tích cho hay, động thái trên khiến các lực lượng Mỹ trở nên khó đoán hơn, thay vì triển khai chúng tại một số căn cứ cụ thể, giống như sự hiện của các máy bay ném bom liên tục ở Guam trước đây, mà nay đã chấm dứt.

“Tính nhất quán và dễ dư đoán của việc triển khai tại Guam từng gây ra những lỗ hổng hoạt động nghiêm trọng. Một người hoạch định chính sách trong quân đội Trung Quốc có thể dễ dàng vạch ra các cách thức nhằm phát hủy các máy bay ném bom do sự diện hiện được nhiều người biết đến của chúng”, Timothy Heath, một nhà nghiên cứu cấp cao về quốc phòng quốc tế tại RAND Corp., một tổ chức nghiên cứu ở thủ đô Washington, nói.

Trước đó, Không quân Mỹ đã rút 5 máy bay ném bom B-52 khỏi đảo Guam, đánh dấu lần đầu tiên sau 16 năm không quân Mỹ không còn máy bay ném bom hạng nặng nào trên hòn đảo ở Thái Bình Dương.

"Điều bình thường mới"

Động thái này được cho là nằm trong chiến lược phòng thủ quốc gia năm 2018 của Lầu Năm Góc, nhằm khiến các đối thủ khó đoán trước hoạt động của các lực lượng quân sự Mỹ.

Kể từ khi rút B-52 khỏi Guam, Mỹ đã đưa B-1 hiện diện ở Thái Bình Dương, với các sứ mệnh được thực hiện giữa các căn cứ tại đất liền nước Mỹ. Một trong số đó bao gồm một chuyến bay kéo dài 32 giờ của 2 máy bay B-1 từ căn cứ không quân Ellsworth tại bang Nam Dakota tới các vùng tri trên Biển Đông và quay trở lại gần đây.

Một quan chức quân đội Mỹ nói B-1 có khả năng mang các vũ khí mạnh hơn các máy bay B-52 rời Guam vài tuần trước, trong đó có tên lửa hành trình chống hạm tầm xa, cho phép nó có khả năng chống hạm và đối đầu vượt trội.

Tên lửa dẫn đường chính xác được thiết kế để tấn công các tàu chiến của đối phương với đầu đạn có khả năng đi xuyên sâu và phân mảnh, trong khi giúp các máy bay ném bom ít có nguy cơ bị đáp trả hơn.

Sự trở lại của G-1 tại Guam đánh dấu lần đầu tiên các máy bay hiện diện ở Thái Bình Dương kể từ năm 2017.

Các nhà phân tích cho rằng các cuộc triển khai như phi đội B-1 tới Thái Bình Dương giờ đây trở thành điều bình thường mới trong khu vực.

“Chúng tôi sẽ đưa các máy bay chiến đấu qua Guam định kỳ”, Carl Schuster, cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm tình báo phối hợp thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nói. “Đôi khi, chúng tôi sẽ tham gia trong các cuộc tập trận với các đồng minh và đối tác, đôi khi chúng sẽ tiếp tục đến Ấn Độ Dương qua Biển Đông”.

Các cuộc triển khai ngẫu nhiên và khó dự báo trước sẽ “làm khó bất kỳ kế hoạch đưa ra quyết định nào của những đối tượng xấu”, ông Schuster nhấn mạnh.

An Bình

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm