1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ “đóng cửa phụ, hé cửa chính” cho Iran

(Dân trí) - Trong những phát biểu gần đây, giới chức Mỹ liên tục phát đi thông điệp sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Iran về chương trình hạt nhân. Quan điểm này cho thấy Mỹ dường như đang muốn mở cánh cửa chính cho Iran, thay vì cửa phụ như trước đây.

 

Mỹ “đóng cửa phụ, hé cửa chính” cho Iran

Trước khi Tổng thống Barack Obama chính thức bước vào nhiệm kỳ hai, nước Mỹ cũng vẫn luôn mong muốn Iran đàm phán, nhưng là đàm phán gián tiếp thông châu Âu chứ không trực tiếp với Mỹ.

Nhưng nay, với sự xuất hiện của hai gương mặt quan trọng nhất trong nội các mới là tân Ngoại trưởng John Kerry và tân Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, chính sách của Mỹ đối với Nhà nước Hồi giáo Iran dường như đang được điều chỉnh lại. Là những cựu binh chiến tranh, muốn tương tác với Iran thay vì đối đầu và quan trọng nhất là không ủng hộ chính sách thù địch của Israel tại Trung Đông, cả hai tân bộ trưởng đều muốn kéo Tehran về phía Washington chứ không tiếp tục đẩy nước này xa rời quỹ đạo ảnh hưởng cùa mình.

Ý tưởng này càng được củng cố khi trong một tuyên bố mới nhất, đích thân Tổng thống Obama đã thừa nhận Iran là một quốc gia mạnh ở Trung Đông. Tehran hiện đang sở hữu tiềm lực quân sự mạnh, có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng Hồi giáo trong khu vực và một chương trình hạt nhân phát triển. Rút kinh nghiệm từ các bài học ở Afghnistan và Li-băng, Washington hiểu rằng Tehran giữ vai trò trọng tâm và ảnh hưởng to lớn trong bất kỳ giải pháp nào cho các vấn đề nút thắt ở khu vực chảo lửa của thế giới.

Vì vậy, tín hiệu mới mà Washington gửi tới Tehran có thể được xem là hoàn toàn nghiêm túc. Nó xuất phát từ đánh giá thực tế của Mỹ về vị thế không thể chối bỏ của Iran ở Trung Đông, cũng như ảnh hưởng lớn mà nước này có thể tác động đến cộng đồng Hồi giáo.

Tất nhiên, với bản chất phức tạp vốn có bên trong chính giới Mỹ, bên cạnh những quan điểm muốn “đổi gió” quan hệ với Iran, cũng có những ý kiến cho rằng sự thay đổi này là không cần thiết và chỉ mang tính chiến thuật. Họ cho rằng đây chẳng qua chỉ là “chiêu bài” của chính quyền hiện nay trong bối cảnh nội các mới của ông Obama đang cần có “màn ghi điểm” ngay sau khi ra mắt.

Những người tiếp cận ở góc độ này cho rằng Tổng thống Obama đang cố khắc họa một hình ảnh mạnh mẽ mới cho nước Mỹ thông qua việc cho thế giới thấy rằng Washington sẵn sàng trừng phạt Iran (như trong năm 2012), nhưng nếu cần cũng có thể linh hoạt đàm phán để tìm giải pháp cho những khác biệt song phương. Với sự linh hoạt đó, ông Obama sẽ tạo được tâm lý rằng ông có thể bảo toàn tối đa lợi ích của Mỹ thông qua việc hòa giải chứ không phải bằng xung đột hay tham gia vào những cuộc chiến tranh khó đoán định trước.    

Nếu xét từ góc độ này, hiện tại là thời điểm thích hợp nhất để tiến hành hòa giải với Iran. Trong 3 hồ sơ nóng nhất của thế giới hiện nay, vấn đề hạt nhân Triều Tiên và khủng hoảng Trung Đông – Bắc Phi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, duy nhất chỉ có hồ sơ hạt nhân của Iran đang có những tín hiệu tích cực sau vòng đàm phán khả quan giữa nước này với nhóm P5+1 vừa kết thúc ở Kazakhstan.

Mặc dù hiện tại Tehran chưa đưa ra phản ứng chính thức trước đề nghị đàm phán song phương trực tiếp của Mỹ, song theo như cảnh báo của Phó Tổng thống Mỹ Joe Bidden tại Hội nghị an ninh Munich đầu tháng này, nước Mỹ không muốn đàm phán theo kiểu “chỉ cho có”.

“Việc Mỹ sẵn sàng đàm phán với Iran không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào chỉ với một mục đích duy nhất là tìm ra giải pháp cho vấn đề chung theo cách cả hai bên đều có thể chấp nhận được. Chúng tôi không muốn có những cuộc đàm phán vô thưởng vô phạt”, ông Joe Bidden khẳng định nhưng cũng không quên nhấn mạnh rằng “quả bóng đang ở phía Iran”.

“Chính quyền của Tổng thống Obama sẵn sàng điều chỉnh chính sách Trung Đông trong nhiệm kỳ II và một cuộc đàm phán trực tiếp với Iran ngay đầu nhiệm kỳ sẽ là minh chứng thực tế rõ nhất cho sự thay đổi này. Thế nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu như Iran chấp nhận những đề xuất của phía Mỹ, đồng ý nắm lấy ‘cành ô liu’ chứ không phải ‘củ cà rốt’”, ông nói thêm.  

Theo nhận định của giới phân tích, việc Mỹ mở cánh cửa đối thoại trực tiếp với Iran không chỉ mang lại lợi ích cho hai bên, mà còn là một bước ngoặt cho tất cả các nước phương Tây. Bởi rõ ràng quan hệ căng thẳng giữa Iran với Mỹ và châu Âu trong nhiều năm qua đã khiến cho tất cả các bên đều thua thiệt, cả trong lĩnh vực kinh tế và địa chính trị. Về phía Mỹ và phương Tây, những nước này không thể tiếp cận trực tiếp nguồn dầu mỏ và khí đốt dồi dào của Iran, không thể giải quyết rốt ráo các vấn đề ở chảo lửa Trung Đông khi không có sự ủng hộ của Nhà nước Hồi giáo. Đổi lại với Iran, nước này cũng mất đi những nguồn thu đáng kể do bị chặn xuất khẩu năng lượng sang Mỹ và châu Âu, chưa kể nguy cơ ngày càng bị thu hẹp vòng cung ảnh hưởng và mất đi tiếng nói trong khu vực do sự “nhúng tay” của phương Tây vào những diễn biến chính trị trong khu vực.

Do vậy, đối thoại trực tiếp thay vì né tránh suy cho cùng vẫn là phương cách tốt nhất hóa giải bất đồng, giúp các bên từng bước tìm tiếng nói chung trong những vấn đề khác biệt. Lịch sử thế giới cũng cho thấy, mọi bất đồng chỉ có thể được giải quyết trên bàn đối thoại, chứ không phải trừng phạt kinh tế hay đối đầu quân sự. Một cuộc đàm phán thực sự dựa trên những nhượng bộ thực tế mới là chìa khóa giúp mở tung cánh cửa án ngữ lâu nay giữa cường quốc mạnh nhất thế giới với quốc gia có ảnh hưởng nhất ở Trung Đông và thế giới Arab.

Việt Giang