1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ đòi Ukraine trả lại "tiền đầu tư" vào cuộc chiến với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Mỹ đòi Kiev đền bù vì những "khoản đầu tư" mà Washington đã bỏ ra trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Mỹ đòi Ukraine trả lại tiền đầu tư vào cuộc chiến với Nga - 1

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Waltz (Ảnh: AFP).

"Người Mỹ xứng đáng được đền bù, xứng đáng được trả lại bằng hình thức nào đó cho hàng tỷ USD mà họ đã đầu tư vào cuộc chiến này", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Waltz trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News hôm 16/2.

Ông Waltz lập luận rằng việc "đền bù" cho người Mỹ sẽ là cách tốt nhất để Ukraine đảm bảo tiếp tục nhận được viện trợ trong tương lai.

"Tôi không nghĩ ra bất cứ điều gì có thể khiến người Mỹ thoải mái hơn về các khoản đầu tư trong tương lai bằng việc chúng ta có thể hợp tác và giúp người Mỹ được hưởng lợi toàn diện", ông Waltz nói thêm.

Theo ông Waltz, Mỹ "đã gánh chịu phần lớn" viện trợ quân sự và tài chính của phương Tây cho Kiev.

Phát biểu của ông Waltz được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được cho là đã "lịch sự từ chối" ký một thỏa thuận cấp cho Mỹ quyền khai thác 50% trữ lượng khoáng sản của Ukraine.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây đã đưa ra ý tưởng rằng Mỹ sẽ sở hữu 50% khoáng sản đất hiếm của Ukraine để đổi lấy viện trợ quân sự mà Washington đã gửi cho Kiev từ năm 2022.

Tổng thống Trump yêu cầu Ukraine trả số đất hiếm "tương đương 500 tỷ USD" để đổi lại "hơn 300 tỷ USD" mà ông ước tính Mỹ đã cung cấp cho Kiev dưới nhiều hình thức viện trợ khác nhau trong cuộc xung đột với Nga.

Cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump nói thêm rằng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky "sẽ rất khôn ngoan nếu tham gia thỏa thuận này với Mỹ".

Về phần mình, Tổng thống Zelensky tuyên bố ông muốn thiết lập một "quan hệ đối tác" có lợi cho cả hai bên, thay vì chỉ chuyển giao tài nguyên của Ukraine cho Mỹ. Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal đã đề xuất cấp cho Liên minh châu Âu (EU) quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên của Ukraine để đổi lấy sự hợp tác với Kiev và đầu tư vào quá trình tái thiết đất nước.

Theo thống kê chính thức, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoảng 175 tỷ USD cho Ukraine kể từ năm 2022, mặc dù một phần đáng kể trong số này đã được chuyển cho các ngành công nghiệp và hoạt động của chính phủ Mỹ liên quan đến cuộc xung đột.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức, tính đến tháng 10/2024, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khoảng 92 tỷ USD viện trợ tài chính và quân sự, trong khi các quốc gia EU và Anh đã phân bổ tổng cộng 131 tỷ USD.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2024, Ukraine "có tiềm năng to lớn như một nhà cung cấp toàn cầu về các nguyên liệu thô quan trọng", đóng vai trò "thiết yếu" cho các ngành công nghiệp quốc phòng, công nghệ cao và năng lượng xanh.

Theo tạp chí Forbes, khoảng 7.000 tỷ USD trong tổng tài sản khoáng sản của Ukraine nằm ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, hầu hết khu vực này đang bị Nga kiểm soát.

Trước khi xung đột Ukraine leo thang vào năm 2022, Ukraine có trữ lượng titanium và lithium lớn nhất châu Âu. Đây là những vật liệu rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp quân sự, pin và tụ điện.

Kiev cũng có các mỏ beryllium, manganese, gallium, uranium, zirconium, graphite, apatite, fluorite và nickel đáng kể.

Theo RT