Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bơm ngực bằng silicone
(Dân trí) – Lần đầu tiên sau 14 năm, các quan chức y tế Mỹ đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bơm ngực bằng silicon - giải pháp thẩm mỹ từng là “mốt” những năm 90 dành cho các phụ nữ có bộ ngực không ưng ý.
Song song với việc dỡ bỏ lệnh cấm này, hai tập đoàn sản xuất túi silicon lỏng là Mentor Corp. và Allergan Inc. sẽ được quyền bán các sản phẩm của họ lần đầu tiên kể từ năm 1992.
Tuy nhiên, Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) cũng cho biết, cả Mentor và Allergan cần phải tiến hành khảo sát thêm trên 40.000 phụ nữ trong vòng 10 năm tới để kiểm tra độ an toàn và hiệu quả của việc bơm ngực.
Nâng ngực bằng silicon bị cấm tại Mỹ từ năm 1992, thời điểm phong trào nâng ngực phát triển trên khắp nước Mỹ, do một số bệnh nhân phàn nàn túi chất lỏng bị vỡ và lo ngại sẽ gây ra các rối loạn như viêm khớp, rối loạn miễn dịch hay ung thư. Tuy nhiên, cả hai hãng sản xuất túi ngực đã đưa ra các bằng chứng cho thấy nâng ngực bằng silicone đem lại hiệu quả tốt cho lứa tuổi từ 22 trở lên và cho các phụ nữ ở mọi lứa tuổi có nhu cầu tái tạo ngực.
Tiến sĩ Daniel Schultz, giám đốc trung tâm thiết bị y học thuộc FDA cho biết: “Các nhà sản xuất đều đưa ra những cam đoan về lợi ích cũng như rủi ro của việc bơm ngực, từ đó giúp khách hàng có thể quyết định chính xác có nên thực hiện phẫu thuật hay không”.
Một số biến chứng được ghi lại trong các nghiên cứu của các nhà sản xuất gồm: đau ngực, xơ cứng khu vực xung quanh vị trí đặt túi silicone, thay đổi cảm giác của đầu vú, rạn nứt túi chất lỏng. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ tham gia các nghiên cứu đều cảm thấy hạnh phúc với bộ ngực mới.
FDA cũng cho biết, một số cuộc nghiên cứu độc lập đã không tìm ra bằng chứng bơm ngực silicon gây ra ung thư và các căn bệnh khác.
Bơm ngực bằng túi nước biển là sự lựa chọn duy nhất dành cho các phụ nữ Mỹ kể từ khi phương pháp nâng ngực bằng silicone bị cấm vào năm 1992. Theo các bác sĩ phẫu thuật, túi lỏng silicone mang lại bộ ngực đẹp hơn và cảm giác tự nhiên.
VTH
Theo Reuters, BBC