1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ định chuyển hóa trực thăng huyền thoại Huey

(Dân trí) - Sau hàng chục năm sử dụng trực thăng Huey trong các sứ mệnh khác nhau, quân đội Mỹ đang cân nhắc chuyển hóa mẫu máy bay huyền thoại này thành trực thăng không người lái.

Trực thăng Huey. (Ảnh: National Interest)
Trực thăng Huey. (Ảnh: National Interest)

Kể từ lần cất cánh đầu tiên vào năm 1956, trực thăng tấn công Huey đã được sử dụng trong nhiều cuộc chiến của Mỹ. Trong giai đoạn từ năm 1956 tới những năm 1980, khoảng 12.000 mẫu trực thăng Huey đã được chế tạo, cùng với đó là khoảng 12.000 mẫu Bell 204 và Bell 205 được phát triển sau đó, vốn là phiên bản dân sự của mẫu Huey.

Theo tạp chí National Intersest của Mỹ, quân đội nước này đang giao nhiệm vụ cho công ty công nghệ Aurora Flight Sciences nghiên cứu khả năng chuyển hoá Huey thành trực thăng tự động không người lái vào năm 2018. Đây cũng là một phần trong dự án của Văn phòng Nghiên cứu thuộc Hải quân Mỹ gọi là chương tình tự động hoá vận tải hàng không và hệ thống đa dụng (AACUS) nhằm giúp phát triển các mẫu máy bay trực thăng có người lái thành những cỗ máy không người lái trong thời gian tới.

Chương trình AACUS không phải là vũ khí mà cụ thể đó là một bộ công cụ. Lắp đặt hệ thống này cho những mẫu máy bay quay cánh giống như Huey sẽ giúp các mẫu máy bay này có thể tự động bay tới các điểm đã đề ra trước đó và cần rất ít kiểm soát từ đơn vị điều phối dưới mặt đất. Chỉ cần một thay đổi, phi công có thể được đưa vào buồng lái và lái trực thăng như bình thường. Hệ thống AACUS kết hợp các phần mềm hiện đại với hệ thống radar sử dụng tia laser để phát hiện các chướng ngại vật ở khu vực hạ cánh, qua đó cho phép trực thăng tự hạ cánh ở các vùng đất thuận lợi.

Hiện hệ thống AACUS cũng đã được phát triển cho lực lượng thuỷ quân lục chiến của Mỹ. Mục tiêu đặt ra của dự án này là giúp các binh sĩ có thể điều khiển dễ dàng các trực thăng không người lái mà không cần quá nhiều thời gian huấn luyện. Trong chương trình AACUS, công ty Aurora đang phát triển hệ thống bay tiếp tế hậu cần chiến lược tự động (TALOS) để hỗ trợ. Hệ thống này hiện đang được thử nghiệm trên mẫu máy bay không người lái Boeing H-6U. Theo kế hoạch, hệ thống ACCUS bao gồm cả hệ thống TALOS sẽ sớm được thử nghiệm trên trực thăng Huey.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, dù không còn được sử dụng nhiều như trước đây nhưng những tính năng của Huey vẫn phù hợp với các nhiệm vụ ngày nay. Hiện Không quân Mỹ vẫn đang sử dụng khoảng 60 mẫu UH-1N. Do vậy, kế hoạch chuyển hoá mẫu trực thăng "huyền thoại" này của Mỹ có thể giúp Huey trở lại nhiều hơn trên bầu trời trong thời gian tới, cũng như mở ra khả năng kinh doanh công nghệ này vì nhiều nước trên thế giới vẫn rất ưa chuộng mẫu trực thăng này.

Ngọc Anh

Theo National Interest